Review: Giải mã Hàn Quốc sành điệu

Khoảng hơn chục năm trước, Hàn Quốc mà đặc trưng là K-pop, phim ảnh đã tạo nên cơn sốt tại châu Á. Ở Việt Nam, thậm chí còn có cảnh nhà nhà người người xem phim Hàn Quốc phát sóng giờ vàng. Các fan hâm mộ K-pop thì nghe nhạc, nhảy cover và cố làm đủ mọi cách để trông-giống-thần tượng. Chắc chắn khi đó, tham vọng của Hàn Quốc không dừng lại ở việc chỉ nắm trong tay quyền thống trị khu vực. Bằng chứng là một trong vài năm trở lại đây, Hallyu mạnh mẽ bùng nổ và càn quét trên phạm vi toàn thế giới. Vậy thì nguyên nhân nào khiến một đất nước từng sản xuất những bộ phim bị chính khán giả trong nước quay lưng nay lại xuất khẩu cả một nền văn hóa (pop culture) sang nước ngoài?

“Giải mã Hàn Quốc sành điệu” có thể coi là lý giải tương đối đầy đủ cho câu hỏi trên. Được viết bởi Euny Hong – một nhà báo Mỹ gốc Hàn, cô có thời gian sinh sống và học tập cũng như trải nghiệm văn hóa ở cả Mỹ lẫn Hàn Quốc nên cách tiếp cận khá đa chiều. 

Cuốn sách của Hong có đề cập tới một số khái niệm mới như “pop culture” hay “xuất khẩu văn hóa”. Những khái niệm chỉ xuất hiện khi Hallyu hình thành. Từng nhân tố của “pop culture” – K-pop, điện ảnh, phim truyền hình, và game (yếu tố này ít người ngờ đến nhất) được đem ra mổ xẻ, phân tích. Bằng những ví dụ minh họa sinh động và dung lượng thông tin lớn, sách đưa ra lời giải thích về sự thành công nhanh chóng của Hallyu. Từ lớp bóc tách này mới thấy sự bài bản trong công tác PR, sự thấu hiểu sâu sắc thị trưởng, sự “nhúng tay” có-chủ-ý nhưng kịp thời, đúng lúc của chính phủ Hàn Quốc vào các hoạt động giải trí. 

Sách cũng thẳng thắn phô bày nhiều mặt trái của Hallyu cũng như xã hội Hàn Quốc. Một số điều được tiết lộ trong cuốn sách sẽ gây bất ngờ hoặc gây sốc cho người đọc. 

Dù thuộc thể loại non-fiction nhưng sách được viết theo lối dễ hiểu và khá thú vị. Tuy nhiên, dù đã cố gắng giữ thái độ trung lập, khách quan nhưng ở một số phần, tác giả vẫn không giấu được ít nhiều sự châm biếm,… uhm và cả khinh miệt một chút với những “hủ tục” hay những thói quen của người Hàn Quốc mà tác giả cho là rắc rối, kì cục. Chính vì thế, màu sắc cá nhân trong cuốn sách vẫn rất rõ nét, một số nhận định vì thế mà trở nên cảm tính, thiếu căn cứ. 

Thông tin bên lề – for fun:

  • Người Mỹ gốc Hàn thường phải nhận những cái nhìn khá tiêu cực của chính người dân Hàn Quốc —> Đoạn này trái hẳn với ông Việt Nam nhà mình, thấy Việt kiều là cứ tớn hết cả lên.
  • Chính sách đòn roi hiện vẫn được áp dụng trong giáo dục Hàn Quốc. Một mặt nó cổ súy cho bạo lực học đường nhưng mặt khác sự uốn nắn này đã tạo ra một thế hệ trẻ em rất ngoan và biết nghe lời —> Bây giờ thì trẻ em ở Việt Nam sướng như tiên rồi, thầy cô chỉ đánh cháu 1 cái là lên báo lùm xùm luôn xong thì tha hồ mà giải trình với xin lỗi…
  • Ở trang 134 có nhắc đến một trích dẫn: “Chỉ có hai quốc gia sống sót sau cả trăm cuộc xâm lược là Scotland và Hàn Quốc” —> Tôi nghi ngờ tính xác thực quá mà chưa có thời gian check lại nè. Who can help me?
  • Điểm khác biệt giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Hàn Quốc đã tạo ra mô típ thần tượng khác biệt hoàn toàn. Nếu như các quốc gia phương tây có thể có hình mẫu “bad guy” hoặc “good guy” thì ngược lại, thần tượng Hàn Quốc chỉ được phép làm “chak han” (ngoan) hoặc không gì cả. Ở Hàn không có khái niệm trai hư. Chính vì thế nên chúng ta mới thấy dân Hàn rất khắt khe với thần tượng và bản thân các idol cũng rất chú trọng đến việc “bảo vệ hình tượng”. Nếu một nghệ sĩ sử dụng ma túy thì mọi người sẽ thất vọng. Những điều tương tự có thể hủy hoại cả sự nghiệp, nhất là scandal tình dục. Có thể liên hệ ngay với vụ bê bối của Seungri trong thời gian vừa rồi.
  • Tập đoàn Samsung đóng góp tới ⅕ GDP Hàn Quốc và là một trong 9 thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới (số liệu năm 2012). Và hiện tại nền kinh tế của Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào các chaebol (siêu tập đoàn) như thế này —> Trong sách có nguyên 1 chương nói về Samsung, tự dưng nhớ ra vụ diễn viên Go Hyun Jung trước đây lấy cháu của chủ tịch Samsung rồi bị cả nhà chồng khinh vì xuất thân không môn đăng hộ đối. Đúng là có tiền là có quyền, định đoạt được cả số phận một con người. 

Anw dù sao thì đã từng có thời thích Hàn Quốc nhưng cũng sớm nhận ra mặt trái của những thứ hào nhoáng mà đất nước này cố phô bày ra. Thật tội nghiệp! Tôi chỉ muốn sống ở Việt Nam, kiếm nhiều tiền, cứ nhiều nhiều dôi dôi một chút thì lại sang nước bạn “ị” một bãi rồi đi về (theo nhời của một người bạn thân, hihi).

Review: Gánh hàng hoa

Một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị và dễ đoán. 

Một gánh hàng hoa. Một cặp vợ chồng. Một người bạn thân. Một vài biến cố, một vài xung đột.

“Gánh hàng hoa” khắc họa vẻ đẹp người phụ nữ truyền thống, thông qua nhân vật Liên. Liên là điển hình cho mẫu những người phụ nữ Bắc Bộ xưa – sở hữu vẻ đẹp thuần khiết, kín đáo. Nhờ gánh hàng hoa tảo tần ngược xuôi của Liên, mà chồng cô – Nguyễn Minh, mới có tiền ăn học, đỗ đầu kì thi bằng thành chung và sắp sửa trở thành ông giáo học. Một tương lai tươi sáng mở ra với bao hy vọng cho cặp vợ chồng son trẻ trước khi có một tai họa bất ngờ ập đến, mà suýt chút nữa làm tan vỡ cả một gia đình hạnh phúc.

Câu chuyện ngoài ngợi ca sự hy sinh cao thượng trong tình cảm vợ chồng còn ngợi ca tình bạn bè khăng khít, vượt lên trên mọi cám dỗ thấp hèn. Minh may mắn khi có tới 2 người luôn lo lắng và sẵn sàng làm mọi thứ vì anh: Liên – Người vợ tào khang đầu gối tay ấp cùng anh vượt qua “bóng tối” của cuộc đời và  Văn – Người anh em hết lòng giúp đỡ cả hai vợ chồng, kể cả khi lòng tốt của Văn bị Minh nghi ngờ. 

Tiểu thuyết được viết vào đầu thế kỷ XX khi phong trào Âu hóa du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Ngợi ca vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, các tác giả cũng đồng thời gián tiếp phê phán lối sống trụy lạc, thói đua đòi chạy theo những thứ hào nhoáng trước mắt. 

Điều khiến mình thích nhất ở cuốn truyện là hình ảnh một Hà Nội ngày tháng cũ hiện ra hết sức tự nhiên qua các địa danh Bách Thảo, Hàng Buồm, Cổ Ngư, chợ Đồng Xuân, hồ Gươm,… Làng hoa Ngọc Hà, làng Mọc Ngã Tư Sở hồi ấy đã là ngoại thành, đã bị coi là “quê” rồi, đủ thấy Hà Nội xưa nhỏ bé thế nào.

Review: Nắng trong vườn

Xuất hiện trên thi đàn văn chương khá muộn nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Thạch Lam (tên thật là Nguyễn Tường Lân) trong đời sống văn chương đương thời. Sự mới mẻ trong phong cách sáng tác và tư duy nghệ thuật của ông chính là nguồn đề tài luận bàn sôi nổi, không bao giờ vơi cạn trong giới văn sĩ hay những người ưa thích văn chương. 

Sinh thời, Thạch Lam cùng với những người anh em ruột là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) lập ra nhóm Tự Lực văn đoàn. So với những người còn lại, sách của Thạch Lam bán chậm nhất. Có thể văn Thạch Lam lạ quá, kén người đọc quá. Thạch Lam không viết những điều người ta muốn nghe, ông viết những điều ông thấy cần phải viết. Hơn một lần, ông bộc bạch nỗi lòng của mình trong tác phẩm “Cuốn sách bỏ quên”: “Thật ra, sách không bán chạy chưa phải chứng rằng chàng không có tài; nhiều nhà văn nổi tiếng khắp hoàn cầu lúc mới đầu chẳng bị bỏ quên và thiên hạ hững hờ là gì. Sự lãnh đạm của công chúng nhiều khi là cái dấu hiệu của một tài năng xuất chúng, không được người ta hiểu vì vượt ra ngoài khuôn sáo thường”. 

Truyện của Thạch Lam đa số không có cốt truyện. Nó đôi khi chỉ là một lát cắt, một cảnh quay dài, một trích dẫn hay một đoạn ghi chép về những gì ông quan sát được. Ông không nói những điều đao to búa lớn mà thay vào đó, gạn lọc ra cái đẹp, cái quí giá từ những điều nhỏ bé mà người ta thường không để ý mà bỏ qua mất.  

Trở lại với Nắng trong vườn (Nhã Nam phát hành), cuốn sách là tập hợp 12 truyện ngắn được in lại theo bản in của báo Đời Nay năm 1938. Từ tập truyện này có thể khái quát hai nét đặc sắc trong truyện ngắn của Thạch Lam. 

Một là, nghệ thuật tả cảnh đạt đến độ nhuần nhuyễn với cách sử dụng từ ngữ điêu luyện, hay thủ pháp “tả cảnh ngụ tình”. Dường như sự hiện diện của thiên nhiên luôn là cái cớ để nhân vật của Thạch Lam được dịp giãi bày, để từ đó ta tiến một bước sâu hơn vào nội tâm nhân vật. Những sắc độ sáng – tối đối lập nhau của cảnh vật trong “Hai đứa trẻ” giúp người ta nhìn ra sự buồn bã thê lương nơi phố huyện nghèo, cùng le lói niềm tin của những đứa trẻ về một điều gì đó mơ hồ, xa xôi. Cảnh vật yên tĩnh và tinh khôi của “Buổi sớm” mai đánh thức những cảm giác trong sạch, thanh cao ngày nhỏ của cậu bé Bình, làm sống dậy những rung động tưởng chừng như đã ngủ quên rất lâu trong lòng Bình để hành động tiếp theo của chàng là ngắt một bông hoa hồng vừa hé, “khép giữ một giọt sương long lanh như ngọc” dâng lên mẹ như những ngày cũ chàng vẫn hay làm. Có ý kiến cho rằng, đọc văn Thạch Lam, đặc biệt ở những đoạn tả cảnh, nếu để ý sẽ còn cảm thấy có nhịp điệu như thơ và âm sắc như nhạc. Để làm được điều này, tác giả, ngoài con mắt quan sát tinh tường, chắc hẳn đã phải vận dụng mọi giác quan để thấu cảm rồi tỉ mỉ, kỳ công trình bày bằng trái tim của một nhà văn, nhà thơ, người họa sĩ, nhà soạn nhạc.         

Hai là, tính nhân văn thấm đẫm trong các câu chuyện. Có lẽ thời gian sống và tiếp xúc với những người nông dân lao động ở Cẩm Giàng đã cho Thạch Lam một niềm cảm thông đặc biệt với những phận người thuộc tầng lớp dưới. Ở truyện ngắn “Bên kia sông”, kể về cái Bến Sen đìu hiu, buồn thảm, ông dành trọn sự thương xót cho những kẻ không may sa cơ lỡ vận vì thời cuộc đổi thay. Hay như truyện “Đứa con”, ta thấy Thạch Lam tuyệt đối đứng về những người nghèo khi an ủi họ bằng niềm hạnh phúc được sống với thiên chức làm mẹ, khẳng định triết lý: Người giàu, kẻ lắm tiền – chưa chắc đã hạnh phúc. Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến truyện “Người đầm”. Ở đây, tinh thần nhân đạo của Thạch Lam đã vượt lên mọi khác biệt về giai cấp, quốc gia để trở về giá trị nhân bản của nó: là giữa người với người.   

Tính nhân văn trong truyện ngắn Thạch Lam còn thể hiện qua tư duy mới mẻ về tình yêu đôi lứa. Với Thạch Lam, yêu là phải hết mình. Các cặp đôi trong truyện ngắn Thạch Lam hầu hết đều được ông sắp xếp cho một số phận, hoàn cảnh đặc biệt, nếu không muốn nói là éo le. Để từ đó, các nhân vật dám vượt qua mọi rào cản văn hóa, thách thức những khuôn vàng thước ngọc của chuẩn mực xã hội để đi đến tận cùng cái gọi là bản năng con người. Như Tiến và Thân trong “Tiếng sáo”, như Điền và Mai trong “Trong bóng tối buổi chiều” hay Tuân và Mai trong “Đêm sáng trăng”. Với các văn sĩ cùng thời, có lẽ Thạch Lam là người đầu tiên dám đưa những khát khao, táo bạo tính dục trong tình yêu vào truyện. Ta bắt gặp những đắm say vồn vã của Bình và Hậu trong “Nắng trong vườn”:

“Vừa xuống thuyền, Hậu đã ôm quàng lấy vai tôi, ngập ngừng nói những lời ân ái. Tôi thấy tấm thân trẻ và dẻo dang của Hậu quấn lấy tôi như một dây leo. Chúng tôi hòa hơi thở với nhau, tóc nàng bỗng buông xõa trên người tôi, thoảng ra một thứ hương ngát dịu và đầm ấm”.

Hay cuộc ái ân bi kịch của Tuân và Mai trước ngày nàng lên xe hoa trong “Đêm sáng trăng”:

“Nàng vòng tay qua cổ Tuân kéo chàng cúi xuống nàng hòa hợp trong một cái hôn lặng lẽ. Đôi môi nàng chảy máu và đau đớn; Mai sung sướng chịu đau, gửi thác trong cánh tay Tuân tất cả thân thể và tâm hồn trong sạch của nàng”.

Văn nghiệp của Thạch Lam không kéo dài. Năm 1942, khi đạt đến độ chín trong sự nghiệp, ông đột ngột qua đời ở tuổi 32 vì căn bệnh lao phổi. Sự ra đi của Thạch Lam đã từng để lại một khoảng trống lớn trên văn đàn bấy giờ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời cầm bút của ông, có thể khẳng định chừng ấy là quá đủ để thừa nhận một tài năng lớn, một nhân cách lớn không thể vắng bóng trong tiến trình lịch sử văn chương Việt Nam. 

P.S: Mình thích cuốn này nhưng truyện cùng tên cuốn sách lại là truyện ngắn mình ghét nhất. Chắc tại thằng nhân vật chính khốn nạn quá =))

Review: Trên đường băng

Thấy cơn sốt “Tony Buổi Sáng” hạ nhiệt mới bắt đầu mon men đọc, dù cũng được tặng sách từ 2 năm trước. Ngay cả đến lúc cầm sách trên tay mình vẫn chưa biết thể loại sách là gì, nội dung bên trong ra sao. Trên mạng nhan nhản review khuyên đọc, đánh giá 5 sao nhưng kiên quyết không “rớ” vào để đảm bảo khách quan. Vì thế, trong thâm tâm thực sự chờ mong một tác phẩm dạng nghị luận xã hội kiểu Đặng Hoàng Giang hay Vương Trí Nhàn. Nhưng không phải… Là self help. Thất vọng tập 1.

Giọng văn quá bố đời, lên lớp và áp đặt. Cùng là viết cho người trẻ, có hơi hướng self help nhưng “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của Rosie Nguyễn đáng đọc hơn nhiều, dễ chịu và thoải mái hơn nhiều, chưa kể Rosie Nguyễn rất biết cách truyền cảm hứng. 

Dù Tony đã “rào trước” ở phần mở đầu rằng các câu chuyện, nhân vật kể trong sách chỉ là sản phẩm của hư cấu nhưng vẫn không thể có cảm tình nổi. Các dẫn chứng, số liệu trong sách quá chung chung, thiếu tin cậy nên đọc non-fiction mà đôi lúc cứ ngỡ đang đọc tiểu thuyết diễm tình lãng mạn. 

“Phần 2: Ở phòng chờ sân bay” được viết khá hài hước, trào phúng hơn nên cũng là phần dễ “cảm” nhất. 

Tóm lại, nếu các bạn trẻ chưa đi làm, khoảng 20 tuổi đổ lại, đọc sẽ rất thích, có lẽ cũng sẽ học được chút gì đó nữa. Tuổi bảo gì nghe nấy mà. Còn tui, đi làm kha khá rùi, già rùi nên cái gì nghe ngang tai là gạt liền. 

Review: Sống trong thế giới đàn ông

Ngoài một vài tips được cung cấp lẻ tẻ về làm đẹp, giữ dáng thì đọc sách truyền cảm hứng mà cảm tưởng như đang cầm nhầm quyển ngôn tình nào đó… Tác giả ở đây là nữ chính liên tục tự lấy ví dụ về chuyện tình cảm của mình với vị hôn phu. Sẽ không có gì đáng nói nếu những câu chuyện đó được mô tả chi tiết tới từng cử chỉ “chun mũi”, “tròn mắt”, “đôi mắt ngấn nước”, cảm giác rất là lê thê, mệt mỏi. 

Vì không kỳ vọng nhiều nên mình chỉ dùng cuốn này như một cách relax, cứ đi tắm là lấy ra đọc 1 – 2 trang, cười cười rổi gập lại, đọc 1 chữ quên 2 chữ cũng chẳng sao. 

Nhận thấy, các nghệ sĩ hiện giờ đua nhau ra hồi ký, tự truyện. Họ thường nhờ một nhà báo hay nhà văn nào đó chấp bút. Còn với cô Hà Anh, đã từng học chuyên Văn Ams, có thể tự tay viết cuốn sách của riêng mình, âu cũng là một cách PR. 

Chốt lại đọc tâm lý bí kíp tình yêu chỉ có Steve Harvey là no.1.

Review: Phi lý một cách hợp lý

Đọc dễ thở hơn nhiều so với hai cuốn trước của Dan. Sách là dạng tập hợp các Q&A của tác giả với độc giả chuyên mục Ask Ariely trên tờ Wall Street Journal. 

Nếu Phi lý trí Lẽ phải của phi lý trí ngồn ngộn những kiến thức chuyên sâu về kinh tế học hành vi thì ở Phi lý một cách hợp lý, chúng ta có dịp “ôn lại” những hiện tượng tâm lý thú vị này bằng những case study cụ thể. 

Vẫn là văn phong thân mật, đôi lúc hài hước, lại có kèm tranh minh họa nên đọc sách rất vào. Mình thường tranh thủ đọc vào giờ nghỉ trưa, cứ lèo lèo 15 phút là hết vài chục trang rồi. 

So enjoy it! 

P.S: Những ai chưa đọc Phi lý trí và Lẽ phải của phi lý trí thì đừng nên vội đọc cuốn này. Không lại mắc công đọc xong phải tra cứu rồi kêu không hiểu/khó hiểu/khô khan, thiếu thuyết phục thì tội nghiệp ông tác giả lắm!!!

Review: Lẽ phải của phi lý trí

Lẽ phải của phi lý trí tiếp tục mở rộng, đào sâu những vấn đề đã bàn tới trong cuốn đầu tiên – Phi lý trí của Dan Ariely. Điểm đặc biệt trong hầu hết các nghiên cứu của Dan nằm ở chỗ, chúng được manh nha từ chính những trải nghiệm đau đớn về thể xác của Dan trong quá khứ: Ông từng bị bỏng nặng và phải điều trị trong bệnh viện suốt một thời gian dài.  

Cuốn sách này giải thích một số hiện tượng tâm lý được người ta mặc nhiên thừa nhận dù không rõ căn nguyên. Chẳng hạn như tâm lý kì thị với những thứ không phải do chính mình tạo ra, “ăn miếng trả miếng”, “trước lạ sau quen”, “giận cá chém thớt”,… Mặt khác, Lẽ phải của phi lý trí cũng chứng minh hoàn toàn không có chuyện cảm xúc “nhất thời” hay “thoáng qua”. Ngược lại, nó còn có thể ảnh hưởng  mạnh mẽ tới các quyết định lớn nhỏ trong cuộc đời sau này.

Cách tiếp cận vấn đề chân thật, gần gũi. Tiến hành giải quyết tận gốc rễ vấn đề thông qua hàng loạt thí nghiệm đa chiều. 

Thành công của Phi lý trí và Lẽ phải của phi lý trí về mặt học thuật chính là do tác giả luôn biết đặt rất nhiều câu hỏi và hoài nghi nó cho đến khi tìm ra những câu trả lời đích đáng. 

Anw, Phi lý trí always is dabest!

Đang đọc dở sách thì thấy mấy cái review chê “sách khô khan, khó hiểu”. Non-fiction viết đến thế mà còn kêu khó hiểu nữa thì không hiểu các bác ấy tiếp thu các thể loại kinh tế học, tâm lý học hành vi kiểu gì nhỉ??? 

Review: Khiêu vũ với ngòi bút

Đọc từ hồi mới tập tọe chuyển từ viết báo sang viết content, trầy trật hơn một năm, chuyển qua làm planner rồi mới đọc xong cách viết sao cho chuẩn. 

Như lời giới thiệu, nội dung trong sách được tổng hợp từ những bài giảng trong khóa học viết quảng cáo (có giá 3 ngàn đô la) của chính tác giả. So sánh giá bìa sách chỉ hơn 100 ngàn tiền Việt thì quả là đáng để bỏ tiền ra xem bên trong có gì.

Phải thừa nhận cuốn sách chứa một lượng khổng lồ kiến thức với những nguyên tắc, công thức được đúc rút ra từ cuộc đời làm nghề của Sugarman. Từ những khái niệm cơ bản nhất, cho đến những chỉ dẫn cụ thể, những ví dụ và bí quyết đều được chỉ ra xuyên suốt hơn 400 trang sách. 

Nhưng chỉ qua vài chương đầu, mình nhận ra một điểm to đùng là: Cuốn sách chỉ tập trung vào những copywriter truyền thống, làm việc trên các phương tiện quảng cáo truyền thống: như catalog, như thư chào hàng chứ không phải trên Facebook, Instagram – những thứ mà mình đang quan tâm. Những kiến thức được chỉ dẫn trong sách chủ yếu hướng tới việc viết những nội dung quảng cáo dài (những bài PR trên báo). Và càng đọc càng chứng minh nhận định của mình là đúng. Hầu hết các quảng cáo ví dụ trong sách đều lấy từ thập niên 70, 80 của thế kỉ trước. Kết luận đầu tiên về cuốn sách: theo trường phái quảng cáo cổ điển với những cách thức truyền thống.

Thêm một điểm không-thích-lắm nữa về cuốn sách là cách diễn giải dài dòng của tác giả. Có vẻ như ông này khoái tâng bốc và đề cao bản thân, cứ trước mỗi nội dung lại phải rào 1 – 2 câu PR mới chịu được. Khổ nữa là sách vừa dài, vừa dày, đọc không đúng trọng tâm rất mệt mỏi. Bù lại, cứ sang chương mới, luôn có phần review lại nội dung trước để người đọc nắm kĩ. 

Nhận xét thêm về phần trình bày sách, sách trình bày khá lạ: Luôn bỏ trống phần lề trái. Ban đầu khi mua sách, mình khá thích thú vì nghĩ rằng sách có nhiều bài tập để thực hành, và mình sẽ note trực tiếp ra lề sách những điểm quan trọng. Có thể mình đã nghĩ đúng nhưng thực tế khi đọc xong, sách vẫn rất sạch sẽ. Không nhiều bài tập thực hành đến thế. 

Tóm lại, cuốn sách này chỉ mang đến những kiến thức nền tảng nhất về viết quảng cáo, nhiều nội dung thực sự không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại – khi mà các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển theo từng ngày từng giờ. 

Review: Em sẽ đến cùng cơn mưa

Một điểm mình cực yêu thích ở văn học Nhật là sự chậm rãi trong tiết tấu truyện. Điều này tạo cho độc giả có đủ thời gian vừa đọc vừa thong thả ngẫm nghĩ dù cho bản thân tác phẩm đó không cần quá trau chuốt về ngôn từ.

Nếu ai mong muốn một câu chuyện kịch tính với nhiều biến cố, khúc quanh lắt léo thì cuốn sách này quả là không phù hợp. “Em sẽ đến cùng cơn mưa” mở ra một câu chuyện tình, uhm…, không biết nói sao nữa, buồn thì cũng không hẳn, nhưng cảm giác man mác thì có. Chuyện tình này ngay từ lúc bắt đầu đã có kết thúc. Nhưng điều lạ là, độc giả vẫn bị cuốn theo mạch truyện, vừa tò mò bởi những “ảo ảnh” mơ hồ tác giả tạo ra, lại vừa bị chính những tình tiết vụn vặt tưởng chừng dư thừa kéo đi. 

Nếu “Be with you” phiên bản điện ảnh kể về một câu chuyện tình yêu màu hồng lãng mạn với nam nữ chính đều nổi bật, tài năng thì nguyên tác của Ichikawa Takuji lại chỉ khiêm tốn nói về những con người bình thường, thậm chí có nhiều khuyết điểm. Họ quen nhau, để ý nhau, đến với nhau, yêu nhau,… như bất kỳ cặp đôi nào khác. Và phải chăng sự bình thường ấy đã tạo nên điều phi thường khi tình yêu gặp biến cố?

Một chuyện tình vượt lên mọi giới hạn không gian, thời gian và cả cái chết. Cuốn sách này, mình tin rằng là nguồn động viên rất lớn với những người tha thiết yêu nhau, nhưng không may bị số phận trêu đùa. 

“Em có làm cho chồng hạnh phúc không?’

Review: Vì sao đàn ông thích phụ nữ trẻ, phụ nữ thích đàn ông giàu

110072027_3220606297985208_5664176830374745683_n

Đọc xong mới nhận thấy ở bìa cuốn sách có dòng chữ “Tâm lý học và chuyện yêu”, đây là điểm trừ đầu tiên, bởi nội dung cuốn sách không có một tí tâm lý học nào và kể cả chuyện yêu – nội dung này có lẽ nhiều người sẽ quan tâm nhưng cũng được đề cập rất ít. Có lẽ là một chiêu trò giật tít PR đến từ những người làm sách?

Chính xác, các quan điểm trong cuốn sách đưa ra dựa trên quan điểm “Tiến hoá theo sự chọn lọc tự nhiên”, bản thân tác giả cũng là một nhà khoa học nên văn phong cuốn sách tương đối ngắn gọn, tiếp cận vấn đề logic, trực diện. Sách đi lần lượt các vấn đề bằng những câu hỏi và giải đáp chúng thông qua các báo cáo, số liệu, biểu đồ, hình vẽ minh hoạ. 

Nếu chờ đợi một cuốn sách nói về tâm lý đàn ông khi yêu sẽ thế này, tâm lý phụ nữ khi ghen tuông sẽ thế kia và làm thế nào để giải quyết chúng thì nhất định đừng đọc, chúng ta có “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông – Steve Harvey” là đủ. Và nếu không có quá nhiều hiểu biết về chuyên môn sinh học, những thứ đại loại kiểu phân chia ADN, giải phẫu cơ thể thì “Tại sao đàn ông không biết cách lắng nghe còn phụ nữ không biết đọc bản đồ – Barbara & Alan Pease” dễ nhai hơn nhiều, vì ít nhất các thuật ngữ đã được các tác giả diễn giải cho phù hợp với sự hiểu biết của đại chúng. 

So với những cuốn sách mình từng đọc thì không có nhiều điều mới mẻ, ngoài việc có thêm một số góc nhìn về cấu trúc não bộ ảnh hưởng đến hành vi của nam và nữ, một vài số liệu cập nhật hơn. Sách tương đối khô khan và so với các cuốn viết cùng chủ đề thì mình hoàn toàn không suggest cho lắm.