Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia

Từ bến tàu tham quan, xuôi dòng Biển Hồ khoảng 20 phút, đoàn chúng tôi có mặt tại điểm trường dành cho trẻ em nghèo sinh sống tại đây.

Tonle Sap hay theo cách gọi của người Việt là Biển Hồ, thuộc địa phận tỉnh Siem Reap, cách trung tâm khoảng 25 km và mất khoảng 30 phút di chuyển bằng ô tô. Thêm 20 phút ngồi tàu, chúng tôi có mặt tại điểm trường đặc biệt.

Chuyến thăm trường học hoàn toàn nằm ngoài lịch trình đã ấn định. Lênh đênh trên Biển Hồ, thả trôi suy nghĩ theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên người bản xứ, chúng tôi được biết có một lớp học hoàn toàn miễn phí cho những em nhỏ nơi đây – trong đó có nhiều con em của kiều bào người Việt.

Đoạn sông dẫn tới trường học nổi bị bao phủ dày đặc bởi những cây lục bình – hình ảnh quen thuộc gợi nhắc đến vùng sông nước miền Tây Nam Việt Nam. Đang là giờ ra chơi nên hầu hết học sinh từ các lớp học tràn ra phía mạn tàu chạy nhảy, nô đùa. Đám trẻ nhìn đoàn khách lạ vừa bỡ ngỡ, tò mò nhưng không giấu nổi vẻ thích thú.

t1
Đường tới điểm trường cho trẻ em nghèo Biển Hồ.

Đón tiếp chúng tôi là thầy giáo Nguyễn Minh Luân (32 tuổi). Thầy cho biết hiệu trưởng của trường, thầy Nguyễn Văn Tư (81 tuổi) hiện đang về Việt Nam lấy thuốc chữa bệnh vì căn bệnh tai biến từ ba năm nay.

t2
Nhà bè đầu tiên được sử dụng làm phòng hội đồng của trường.

t3
Bên trong phòng hội đồng.

Hiện tại, sĩ số của trường là 265 em (sĩ số của năm học trước là 314 em). Học sinh của trường đều được miễn học phí và nuôi ăn 3 bữa mỗi ngày. Thầy Luân cho biết: “Hàng ngày, nhà trường đều có xuồng đưa rước các em đi học và về nhà. Một số em khác thì tự bơi đến trường”.

Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của đoàn khách, thầy nói vui: “Trường học cũng ra điều kiện là chỉ nhận những em nào biết bơi, vì mùa nước nổi, nước hồ dâng lên cao lắm!”.

t4
Bên ngoài bếp ăn của nhà trường.

Vì điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực có hạn, các lớp học vẫn theo hình thức học ghép: Một giáo viên quản lý hai lớp học có trình độ sát nhau (lớp 1-2, lớp 3-4 và lớp 4-5). Thầy Luân cho biết: “Những lớp học ở đây chỉ giúp xóa mù chữ cho các em thôi, chứ muốn học cao hơn thì không có lớp”.

t5
Các lớp học hoàn toàn đơn sơ với bàn ghế cũ đóng thủ công.
t6
Nền lớp học còn là nơi tích trữ củi đốt.

t7
Kệ đựng đồ được đóng ngay gần cửa ra vào lớp học.

t8
Bục giảng và bàn giáo viên.

t9
Thời khóa biểu lớp 1.

Nói về sự thành lập của nhà trường, thầy Luân cho biết, bắt đầu từ năm 1993, dưới sự giúp đỡ của đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và các nhà hảo tâm, thầy Trần Văn Tư đã rời quê hương Tây Ninh đến Biển Hồ mở trường nuôi dạy miễn phí cho trẻ em nghèo. Sau này Quân khu 7 của Quân đội Việt Nam tài trợ cho nhà trường thêm 2 nhà bè. Hiện tại, sau khi sửa sang, hoàn thiện, trường có tổng cộng 05 phòng học.

Các em nhỏ đa số xuất thân từ những gia đình ngụ tại Biển Hồ, một số mồ côi. Hoàn cảnh khó khăn, trường học trên bờ lại ở quá xa nên không ai trong số các em được đi học, chỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Vì vậy, thầy Tư phải tới từng nhà vận động bố mẹ cho các em được đi học rồi lại loay hoay tìm nguồn tài trợ để có đủ tiền duy trì lớp học và nuôi ăn học sinh.

t10
Tấm biển cũ kĩ thông báo hỗ trợ học liệu cho học sinh nghèo.

Thầy giáo Luân, khi nghe câu chuyện cảm động về trường học đặc biệt ở Biển Hồ cũng tình nguyện đến nơi này dạy cái chữ cho những học sinh nghèo.

t11
Học sinh của trường đều là con em của những hộ dân sinh sống tại Biển Hồ, không có giấy tờ tùy thân, không quốc tịch.

t12
Tập vở môn Mỹ thuật của một học sinh lớp 1.

t13
Sách tiếng Campuchia. Ngoài môn tiếng Việt, học sinh cũng được học song song tiếng Campuchia.

t14
Giờ học tiếng Campuchia.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Luân tâm sự: “Người dân sinh sống trên Biển Hồ do ít học nên suy nghĩ của họ về cuộc sống rất đơn giản. Nói ra thì nghe khó tin nhưng ở đây có chị 49 tuổi mà sanh những 25 đứa con, mỗi năm một đứa, với suy nghĩ rằng càng đẻ nhiều con thì càng có người đi xin tiền về cho, mà có ngờ đâu càng đẻ càng cực, không có tiền nuôi, rồi phải đem đi cho hết”.

Phút thư giãn hiếm hoi trong giờ ra chơi của những học sinh Biển Hồ.

Chia tay thầy Luân và các em nhỏ tại ngôi trường đặc biệt, mang theo ấn tượng về tình cảm thầy trò gắn bó, về tình người ấm áp nhưng chúng tôi vẫn không khỏi day dứt với những câu hỏi chưa thể giải đáp.

Liệu rằng ngôi trường sẽ duy trì được bao lâu khi không có một nguồn thu đều đặn, mà chỉ trông chờ vào sự đóng góp của các mạnh thường quân? Liệu còn có thêm cơ hội cho những em nhỏ hiếu học tiếp tục đến lớp sau khi đã hoàn thành chương trình “xóa mù chữ” của nhà trường?

Tonle Sap hay Biển Hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây cũng là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. “Biển Hồ” là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ.

Thường thì vào mùa khô từ Tháng 11 đến Tháng 5, hồ khá hẹp và nông, tầm sâu chỉ khoảng 1m với diện tích 10.000km². Vào mùa mưa bắt đầu từ Tháng 6, thay vì sông Tonle Sap rút nước từ hồ ra sông Mê Kông thì sông chảy ngược dòng, tiếp nước vào hồ khiến mực nước Biển Hồ dâng cao và tăng diện tích hồ thành 16.000 km².

Với lượng nước đó, hồ có thể sâu đến 9m, làm ngập đồng ruộng và cây rừng trong khu vực. Vùng ngập nước biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt. Đến Tháng 10 thì nước lại rút xuống theo sông Tonle Sap ra sông Mê Kông.

Theo Hội Việt kiều Campuchia, trên Biển Hồ Campuchia hiện có trên 2.000 hộ dân gốc Việt đang sinh sống tại các làng nổi bên hồ. Những người này sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên Biển Hồ. Hầu hết bà con có nguyên quán thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang… Đời ông, cha theo sông Cửu Long ngược lên Biển Hồ đánh cá mưu sinh rồi sinh con, đẻ cái sống lay lắt đến nay.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên kenh14.vn ngày 4/8/2018)

 

Thế giới tuần qua: Hillary Clinton làm nên lịch sử; bắt cóc con tin nhà thờ Pháp, 3 người chết

Thế giới vừa trải qua một tuần đầy biến động 25 – 31/7.

1. Nổ quán bar ở Đức khiến 13 người thương vong. Sự việc diễn ra vào tối 24/7, kẻ tấn công là người Syria tị nạn được xác định đã tự sát. Nghi phạm từng phải làm việc với cảnh sát vì một số lý do chưa rõ. Bị từ chối tị nạn nhưng nghi phạm chưa bị trục xuất về Syria do điều này chỉ xảy ra nếu người xin tị nạn phạm tội nghiêm trọng. Sự việc xảy ra không lâu sau khi vụ xả súng trước đó tại Munich khiến 10 người chết. Nó cũng làm dấy lên những tranh cãi về chính sách nhân đạo, tiếp nhận người tị nạn của nước này. Tuy nhiên, bà Angela Merkel – thủ tướng Đức sau đó đã khẳng định, những cuộc tấn công này không thay đổi được việc Berlin sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn.

2
Thủ tướng Đức Angela Merkel.

2. Một vụ tấn công bằng dao ở trung tâm khuyết tật Nhật Bản khiến 64 người thương vong. Theo lời các nhân chứng kể lại, vào 2h30 ngày 26/7, một người đàn ông đi vào cơ sở dành cho người khuyết tật Tsukui Yamayuri-en (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) đâm chém điên cuồng. Nghi phạm Satoshi Uematsu (26 tuổi) sau đó đã ra đầu thú. Vụ tấn công đẫm máu khiến 19 người chết và 45 người khác bị thương. Nhiều người trong tình trạng nguy kịch. Dư luận Nhật Bản bàng hoàng với sự việc, bởi đất nước này nổi tiếng an toàn và tỷ lệ tội phạm rất thấp.

3. Bắt cóc con tin tại nhà thờ Pháp, 3 người chết. Vụ việc xảy ra hôm 26/7 tại một nhà thờ ở vùng Saint Etienne du Rouvray, gần thành phố Rouen, miền bắc Pháp, và hai kẻ bắt cóc con tin có mang theo dao. Nạn nhân, là linh mục, dường như đã bị cắt cổ. Một con tin đang trong tình trạng nguy kịch. Hai kẻ bắt cóc đã bị cảnh sát tiêu diệt. Hai kẻ này sau đó đã được xác định là những chiến binh IS. Vụ việc xảy ra vào thời điểm Pháp đang trong tình trạng cảnh giác cao, hai tuần sau khi Mohamed Lahouaiej Bouhlel, người gốc Tunisia, lao xe tải vào đám đông mừng quốc khánh Pháp ở thành phố Nice làm 84 người chết, hơn 300 người bị thương.

4. Chiều 25/7 (rạng sáng 26/7 giờ Việt Nam), đảng Dân chủ của Mỹ đã khai mạc Đại hội Toàn quốc lần thứ 48(DNC) tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pensylvania để bầu ra ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 diễn ra 8/11 tới. Trong đại hội lần này, Hillary Clinton đã làm nên lịch sử khi chính thức trở thành ứng viên nữ đầu tiên đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

3
Bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders trong cuộc vận động tranh cử chung đầu tiên ở Portsmouth, tiểu bang New Hampshire, Mỹ ngày 12/7. (Nguồn: EPA/TTXVN).
Bảo Sam
(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 1/8/2016)

Thế giới tuần qua: Xả súng ở Đức 10 người chết, Trump trở thành ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa

Những biến động của thế giới trong tuần qua 18 – 24/7.

1. Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản vào sáng 19/7. Vụ phóng tên lửa trên được cho là một phản ứng tức giận của Triều Tiên trước việc Hàn Quốc và Mỹ quyết định triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) vào cuối năm sau nhằm đối phó với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân gia tăng từ phía Bình Nhưỡng. Hành động thử nghiệm năng lực hạt nhân và liên tiếp đe dọa tấn công Mỹ cùng đồng minh của Triều Tiên một lần nữa nhận được sự chỉ trích từ các quốc gia láng giềng và Washington. Liên Hợp Quốc khẳng định, những hành động như vậy của Bình Nhưỡng sẽ không giúp làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

2. Chiều 18/7 (Rạng sáng 19/7 theo giờ Việt Nam), lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng hòa đã diễn ra tại nhà thi đấu Quicken Loans Arena ở thành phố Cleverland thuộc tiểu bang Ohio. Sau sự kiện này, Donald Trump chính thức trở thành ứng viên đại diện Đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống. Buổi khai mạc cũng có sự xuất hiện của phu nhân ông Trump với bài diễn văn ủng hộ chồng. Tuy nhiên, ngay lập tức, bài diễn văn này đã dính nghi ngờ ‘đạo nhái’ diễn văn của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama 8 năm về trước. Người chắp bút cho bài phát biểu này sau đó đã thừa nhận có sao chép lời của bà Obama.

3. Tối 22/7, tại một trung tâm mua sắm đông đúc ở Munich (Đức), đã xảy ra một vụ xả súng kinh hoàng làm 10 người chết, trong đó có thủ phạm người Đức gốc Iran. Tên sát nhân được cho đã tự tử sau khi gây án. Tuy đây không phải là một vụ tấn công khủng bố nhưng nhiều người Đức vẫn lo ngại về những kẽ hở trong đạo luật kiểm soát súng ở nước này.

1
Chân dung kẻ xả súng ở Đức.

4. Sáng 23/7, một máy bay vận tải Ấn Độ chở 29 người mất tích ở vịnh Bengal. Theo dữ liệu radar từ máy bay mất tích cho thấy nó rẽ trái gấp trước khi nhanh chóng mất độ cao. Một cuộc tìm kiếm khổng lồ đã được triển khai với hơn 12 tàu hải quân, tuần duyên, một tàu ngầm.

5. Chiến dịch làm sạch bộ máy công quyền tiếp tục diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sau sự kiện đảo chính bất thành hôm 15/7. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tất cả hiệu trưởng của các trường đại học ở trong nước phải từ chức. Tổng cộng có 1.577 người phải thực hiện yêu cầu này. Đồng thời nhà chức trách cũng hủy bỏ giấy phép hành nghề của 21.000 giáo viên tại các trường tư – những cá nhân, tổ chức bị cho rằng có liên quan đến đảo chính. Cho đến nay, số người bị nghỉ việc hoặc bị tống giam kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra đã lên tới hơn 50.000 người. Hôm 20/7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gửi những tài liệu cần thiết yêu cầu Mỹ nhanh chóng dẫn độ giáo sĩ lưu vong Gulen. Ông này  bị Ankara cáo buộc tổ chức cuộc đảo chính.

6. IS đánh bom tự sát ở Bagdad khiến 21 người thiệt mạng. Vụ tấn công xảy ra tại cửa ngõ dẫn vào quận Kadhimiyah ở phía tây bắc Baghdad, nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite. Hôm 3/7, IS cũng tiến hành một vụ đánh bom khác tại quận Karrada thuộc Baghdad, làm 281 người chết. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất mà tổ chức này thực hiện ở Iraq trong năm nay.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 25/7/2016)

Thảm sát ở Nice: Pháp cần mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn khủng bố

Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy mới đây lên tiếng chỉ trích chính phủ đã không thực hiện tốt việc ngăn chặn khủng bố, gián tiếp gây ra vụ thảm sát ở Nice.

1
Tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố, rất ít trong số đó được nhận dạng. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, lãnh đạo phe đối lập cũng kêu gọi trục xuất khỏi Pháp bất kỳ công dân nào có mối liên hệ với Hồi giáo cực đoan.

Tối 14/7, một chiếc xe tải đã lao vào đám đông đang xem pháo hoa mừng Quốc khánh Pháp tại thành phố Nice, miền Nam nước này. Vụ thảm sát khiến hơn 80 người thiệt mạng, 85 người hiện tại vẫn đang nằm trong bệnh viện, 18 người trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch.

Nhiều người sống sót vẫn đang chờ đợi tin tức những người thân yêu của mình. Mới chỉ có 35 thi thể được xác định danh tính.

Các công tố viên cho rằng cần phải có biện pháp xác định kỹ lưỡng để tránh các lỗi khi nhận dạng thi thể.

Thông điệp mạnh mẽ

Phát biểu với truyền hình Pháp, ông Sarkozy nói: “Chúng ta không được phép yếu đuối, cũng không đơn giản là chỉ ngồi đó tưởng niệm. Chúng ta cần đồng lòng nói rằng: ‘Chúng ta sẽ chiến thắng trong mọi cuộc chiến”.

Cựu Tổng thống Pháp cũng cho biết ông ủng hộ các biện pháp mạnh hơn như trục xuất người Hồi giáo cực đoan, gắn thẻ điện tử cho những người có nguy cơ cực đoan.

Chính phủ Pháp từng tuyên chiến với tấn công khủng bố. Tuy nhiên, vụ tấn công lần thứ 3 trong vòng 18 tháng đã dẫn đến sự chỉ trích của các nhà lãnh đạo nước này với chính phủ về việc ngăn chặn làn sóng cực đoan.

2
Tên sát nhân đã bị bắn chết sau khi lao chiếc xe tải nặng 12 tấn vào đám đông. Ảnh: AP.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 18/7/2016)

Thế giới tuần qua: Tòa trọng tài công bố phán quyết vụ biển Đông; thảm sát ở Pháp, 84 người chết

Thế giới đã trải qua một tuần đầy biến động. Cùng điểm lại những sự kiện nổi bật nhất tuần qua 11/7 – 17/7.

1. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc tại biển Đông vào hôm 12/7. Cụ thể, Tòa Trọng tài bác quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang nhiên tự vạch ra. Trước phán quyết mang tính lịch sử này, làn sóng phản đối phán quyết tại Trung Quốc đã bùng nổ. Nhiều diễn viên, ca sĩ trong làng giải trí Hoa ngữ cũng đã lên tiếng khẳng định chủ quyền. Không lâu sau khi phán quyết được đưa ra, trang Web của Tòa Trọng tài quốc tế cũng bị đánh sập. Trong khi đó, các bên kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết và kiềm chế hành động.

1.jpg
Sau phán quyết, Trung Quốc vẫn tự nhận mình là… nạn nhân!

2. Vụ tấn công kinh hoàng bằng xe tải vào đám đông ở Pháp đêm 14/7 đã khiến 84 người thiệt mạng và 202 người khác bị thương. Theo đó, khi một đám đông đang theo dõi màn trình diễn pháo hoa mừng Quốc khánh Pháp tại thành phố Nice, có một chiếc xe tải màu trắng tăng tốc lao vào giữa đám đông. Chiếc xe tải đi được khoảng 100 mét trước khi tiến thẳng về phía đám đông. Tên lái xe đã bị cảnh sát tiêu diệt. Giới chức Pháp nhận định đây là một vụ tấn công khủng bố. Hai ngày sau vụ thảm sát, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm. Sự việc một lần nữa đặt Pháp vào trong tình trạng khẩn cấp, kể từ sau vụ khủng bố hồi tháng 11/2015 ở Paris khiến ít nhất 129 người thiệt mạng.

2.jpg
Thảm  sát kinh hoàng tại Nice khiến Pháp phải kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng.
3. Hôm 16/7, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng lên đảo chính. Tổng thống Erdogan đã trực tiếp xuất hiện ở Istanbun để xử lý tình hình. Ông kêu gọi những người dân ủng hộ chính phủ xuống đường để phản đối đảo chính. Đến cuối ngày, cuộc đảo chính được tuyên bố đã thất bại. Tuy nhiên, cuộc đảo chính bất thành này cũng khiến 265 người thiệt mạng. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binall Yildirim cho đây là “vết nhơ trong lịch sử nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ”.
1.jpg
Cuộc đảo chính đã bị dập tắt nhưng vẫn khiến 265 người thiệt mạng.

4. Anh có thủ tướng mới sớm hơn dự định. Bà Theresa May đã chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh vào ngày 13/7 vừa qua, kế nhiệm ông David Cameron – người vừa từ chức hôm 23/6 ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy đại đa số người dân lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit, nhiều ứng cử viên cho chức thủ tướng đột ngột rút lui, khiến cho bà May nghiễm nhiên trở thành người “không có đối thủ”. Ngày 14/7, tân thủ tướng công bố nội các mới. Nhiều người dự đoán bà May sẽ phải đối mặt với nhiều trọng trách và thách thức trong bối cảnh Anh rời khỏi EU.

1.jpg
Bà Theresa May chính thức trở thành thủ tướng Anh vào ngày 13/7.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 18/7/2016)

Bảo tàng Mỹ yêu cầu khách tham quan không chơi Pokemon Go

Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust (Mỹ) đã yêu cầu du khách không chơi Pokemon Go trên điện thoại trong suốt chuyến thăm quan.

1.jpg
Người chơi đang săn Pokemon ở khu vực quảng trường Nhà Trắng. Ảnh: BBC.

Phát ngôn viên của bảo tàng ở Washington cho biết, việc chơi các trò chơi tại một đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít là “cực kỳ không thích hợp”.

Nghĩa trang Quốc gia Arlington, chỉ cách viện bảo tàng ba dặm, cũng đã đưa ra cảnh báo cấm chơi Pokemon.

Cả hai địa điểm trên đều có mặt trong trò chơi mới trên điện thoại thông minh. Pokemon ngay lập tức khi ra mắt đã trở thành một hiện tượng thương mại và văn hóa.

Pokemon Go cho phép người chơi đến các địa điểm trong thế giới thực tìm kiếm để tìm sinh vật Pokemon.

Hiện tại, trò chơi này đang đứng đầu bảng xếp hạng download cửa hàng ứng dụng trên cả App Store và Google Play chỉ vài ngày sau khi phát hành tại Mỹ, Úc và New Zealand.

Giống như nhiều địa điểm khác, cả hai bảo tàng ở Washington và nghĩa trang quân đội ở Virginia là nơi người chơi có thể đi “bắt” những sinh vật Pokemon.

Các địa danh này được coi như những điểm dừng – Pokestops, nơi người chơi có thể thu thập các vật phẩm ảo như đồ ăn nhẹ và thuốc men cho Pokemon. Các nhà quản lý tại bảo tàng hiện đang cố gắng đưa các địa điểm này ra khỏi trò chơi.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 13/7/2016)

Thế giới tuần qua: Đánh bom, xả súng kinh hoàng ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ; Đài Loan “phóng nhầm” tên lửa

Những chuyển động mới nhất của thế giới trong tuần qua 27/6 – 3/7.

1. Vụ đánh bom, xả súng kinh hoàng ở sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào đêm 28/6 khiến ít nhất 41 người thiệt mạng và 239 người bị thương. Theo lời kể của các nhân chứng và camera an ninh ghi lại được, khoảng 22h tối, có 3 kẻ lạ mặt xuất hiện trên một chiếc xe taxi ở sân bay rồi bắn xối xả vào hành khách, trước khi từng tên tự kích nổ bom. Hiện vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nhiều khả năng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đứng sau vụ đánh bom này. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm.
1
Sân bay Istanbul trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.

2. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chính thức xin lỗi Nga vì đã bắn rơi máy bay Su-24 của Nga gần biên giới Syria.Đây là động thái đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi mối quan hệ Nga – Thổ trở nên căng thẳng sau khi phi công Nga bị phiến quân dưới mặt đất nã đạn và thiệt mạng. Hai nước đang bắt đầu tiến trình nối lại hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như phát triển quan hệ song phương. Tổng thống Putin đã thể hiện thiện chí bằng việc dỡ bỏ cấm vận du lịch với Thổ Nhĩ Kỳ.

3. Đài Loan “phóng nhầm” tên lửa đúng dịp Trung Quốc kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản. Hôm 1/7, trong quá trình kiểm tra hệ thống tên lửa, một trung sĩ của hải quân Đài Loan đã vô tình bấm nhầm chế độ tác chiến, khiến một trong hai quả tên lửa trên bệ phóng bị kích hoạt. Tên lửa, được phóng từ căn cứ hải quân Zuoying của Cao Hùng, đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi các đảo Penghu. Vụ “phóng nhầm” tên lửa đã khiến 1 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

2
1 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong vụ Đài Loan “phóng nhầm” tên lửa.

4. Liên minh châu Âu (EU) đang có những động thái hối thúc Anh nhanh chóng làm thủ tục rời khỏi tổ chứcnhằm tránh hiệu ứng “domino” khiến các nước thành viên cũng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý tương tự. Tuy nhiên, dường như các ứng cử viên Thủ tướng thế chỗ cho ông Cameron đều có ý định trì hoãn thủ tục này, ít nhất là đến cuối năm 2016.

5. Hillary Clinton vừa bị FBI “sờ gáy” vì bê bối email khi còn đương chức Ngoại trưởng Mỹ. Cuộc thẩm vấn kéo dài 3,5 tiếng và do Clinton chủ động sắp xếp chứ không chờ giấy triệu tập của cơ quan điều tra. Bà cho biết rất vui vì đã giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng trước FBI, đồng thời lên tiếng xin lỗi về sự cố. Hillary khẳng định không làm gì nguy hại đến an ninh quốc gia, bà chỉ đơn giản dùng email để trao đổi những vấn đề nhỏ nhặt. Tuy nhiên, vụ việc cũng đã tác động ít nhiều đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của bà. Không ít đối thủ lấy sự việc này của cựu Ngoại trưởng ra công kích.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 4/7/2016)

 

Đài Loan “bắn nhầm” tên lửa, 1 người chết

Do nhầm lẫn, hải quân Đài Loan đã phóng nhầm tên lửa chống hạm siêu thanh từ căn cứ hải quân, khiến 1 người chết và 3 người bị thương, dẫn lời quan chức nước này.

1.jpg
Tên lửa đáp ở ngoài khơi đảo Penghu. Ảnh: BBC. 

Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), một con tàu tuần tra đang trải qua cuộc diễn tập ở Kaohsiung đúng lúc tên lửa Hsiung Feng III bị phóng nhầm. Tên lửa có tầm bắn khoảng 200 dặm (300 km).

Tên lửa phóng theo hướng về Đại Lục và nhấn chìm một chiếc thuyền đánh cá ở ngoài khơi quần đảo Penghu. Thuyền trưởng người Đài Loan thiệt mạng.

Vụ việc xảy ra đúng lúc Trung Quốc kỷ niệm lần thứ 95 ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu sự việc này có ảnh hưởng đến mối quan hệ với Bắc Kinh, Phó Đô đốc Mei Chia-hsu cho biết, hải quân đã báo cáo về Bộ quốc phòng Đài Loan. Ông cho biết vụ việc đang được điều tra và sẽ bị xử lý.

Phía Bắc Kinh vẫn chưa có động thái gì về sự việc này.

Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, và vẫn sẵn sàng sử dụng vũ lực với Đài Loan để ép sáp nhập với đại lục nếu cần thiết.

Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen, cũng là người đứng đầu quân đội, hiện đang ở nước ngoài.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 01/07/2016)

Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Hillary Clinton nắm chắc 80% trúng cử

Đó là dự đoán của nhà thống kê nổi tiếng Nate Silver trong chương trình “Good Morning America” phát sóng hôm thứ 4 trên đài ABC.

1.png
Nate Silver. Ảnh chụp màn hình. 

Theo Silver, người hiện điều hành trang web dữ liệu báo chí FiveThirtyEight, khả năng trúng cử của bà Clinton lúc này vào khoảng 79%, trong khi Donald Trump chỉ có 20% cơ hội chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.

“Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường bầu cử”, Silver nói, “Bà ấy đã dành được 7 điểm rồi, và chặng đường còn lại bà ấy sẽ đạt được điểm 10”.

“Hillary dẫn đầu hầu hết trong các cuộc bỏ phiếu ở các tiểu bang, ở các quốc gia”.

Tuy vậy, Silver cũng cho biết thêm cả hai ứng viên đều vẫn còn rất nhiều cơ hội để thay đổi cục diện.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 30/06/2016)

Thế giới tuần qua: Anh rời EU, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa

Những chuyển động mới nhất của thế giới trong tuần qua 20/6 – 26/6.

1. Nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, với tỷ lệ phiếu ủng hộ chiếm 51,9%. Ngay lập tức, kết quả này đã khiến thị trường tài chính chao đảo. Bảng Anh rớt giá kỷ lục trong vòng 31 năm trở lại đây, báo hiệu một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị toàn cầu. Thủ tướng Anh Cameron từ chức. Nhiều người dân Anh bắt đầu hối hận về quyết định rời EU của mình và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.

1.jpg
Chưa đầy một ngày sau quyết định rời khỏi EU của Anh, thế giới đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử.

2. Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan vào ngày 22/6. Phía Bình Nhưỡng tự tin khẳng định có đủ khả năng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã cùng lên tiếng chỉ trích hành động đầy tính khiêu khích của Triều Tiên.

3. Vụ xả súng kinh hoàng tại một rạp chiếu phim ở Đức chiều 23/6 (theo giờ địa phương) đã khiến ít nhất 25 người bị thương. Ngay sau khi được thông tin về sự việc, cảnh sát Đức đã có mặt và tiêu diệt kẻ tấn công. Các nhà chức trách dự đoán nhiều khả năng đây là một vụ tấn công khủng bố. Sự việc càng khiến dư luận hoang mang bởi trước đó hơn một tuần, tại một câu lạc bộ đồng tính ở Orlando (Mỹ) cũng xảy ra vụ thảm sát bằng súng khiến 50 người thiệt mạng.

4. Trung Quốc tiếp tục nhiều chiêu bài “tung hỏa mù” trước thềm phán quyết vụ kiện biển Đông. Nước này ngang nhiên khẳng định nhiều quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về biển Đông. Tuy nhiên lại không nói rõ cụ thể là những nước nào. Trong một diễn biến khác, nhiều nước như Indonesia, Malaysia cũng tập trung tăng cường năng lực biển, đảm bảo an ninh trên biển Đông.

5. Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 với hai ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi. Dường như Trump không được lòng chị em vì những phát ngôn gây sốc về phụ nữ trước đây của mình. Trong khi đó, Hillary lại đang gặp trục trặc vì bị tin tặc phát tán nhiều tài liệu nội bộ được bảo vệ bằng mật khẩu.

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 26/06/2016)