Me Before You: Sống yêu thương và trách nhiệm

Giữa một dàn phim bom tấn mùa hè đầy sôi động, kịch tính, Me Before You (Trước ngày em đến) như một bản tình ca nhẹ nhàng với những thanh âm đặc biệt.

Vùng nông thôn nước Anh cổ điển, lãng mạn được chọn làm bối cảnh mở ra câu chuyện tình. Nơi ấy có nàng Lọ Lem Louisa Clark (do Emilia Clarke thủ vai) – cô gái quê mùa với lối thời trang kỳ cục. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, trách nhiệm phải giúp đỡ gia đình không làm cô vơi đi niềm lạc quan, yêu đời.

Như sự sắp đặt của định mệnh, cô gái trở thành người giúp đỡ Will Traynor (do Sam Claflin thủ vai) – một thiếu gia, một doanh nhân, một chàng trai trẻ đa tài. Nhưng đó chỉ là con người cũ của anh, trước khi cô đến. Tai nạn bất ngờ cướp đi của anh tất cả. Đối diện với Louisa lúc này là một chàng trai khó ưa, thô lỗ và không sẵn sàng hợp tác. Bệnh tật dai dẳng, thể trạng tật nguyền bòn rút hy vọng của Will. Sau một năm nỗ lực trị liệu, anh đau đớn và thất vọng nhận ra rằng mình mãi mãi sẽ không được là chính mình của ngày xưa. Mọi thứ vĩnh viễn ở lại quá khứ. Một kịch bản anh đã nghĩ tới và âm thầm chuẩn bị…

1

Về phía Louisa, cô gái có đôi chút tự do và cố chấp này vẫn ngày ngày tìm cách phá vỡ tảng băng lạnh lùng, len lỏi từng chút một vào sâu thẳm tâm hồn đang dần héo úa của Will. Cách cô làm mới mình mỗi ngày, cách cô thử vận lên mình những bộ trang phục lố bịch cuối cùng cũng đem lại kết quả. Chàng trai bật cười, rồi bắt đầu trò chuyện, đi dạo với cô gái. Họ cứ tự nhiên bước vào cuộc sống của nhau như vậy… Lou đem lại niềm vui cho Win theo cách hồn nhiên nhất, Win lại cho Lou những lời khuyên định hướng cuộc sống.

Tuy nhiên thật đáng buồn, thứ tình cảm nhẹ nhàng mới nhen nhóm gắn kết hai con người vẫn không thay đổi được kịch bản mà Will đã lựa chọn. Chắc chắn nhiều người khi xem phim sẽ cho rằng quyết định của Will thật là ích kỷ, thật không công bằng cho những hy sinh và yêu thương của Lou. Nhưng xét đến cùng, đó vẫn là quyết định hợp lý và trọn vẹn, cũng là cách sắp đặt thông minh của tác giả. Một cái kết khiến người ta tiếc nuối nhưng không quá u uất. Và chính cái kết như thế này sẽ khiến người xem còn day dứt mãi…

Trong phim, chẳng một lần ta nghe thấy Will thổ lộ tình cảm với Lou. Nhưng hãy chú ý đến lá thư chàng trai ấy để lại, cái tên Clark được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đầy yêu thương và thổn thức; hãy xem những lời nhắn nhủ: “Em chỉ có một cuộc đời thôi. Trách nhiệm của em là sống trọn vẹn nhất có thể.”, “Em là điều duy nhất khiến anh muốn thức dậy mỗi buổi sáng.”, “Đừng an phận”; hãy nhớ lại lúc Will yêu cầu Lou nhìn thẳng vào mắt mình… Chừng đó thôi cũng đủ để thấy rằng Will trân trọng và yêu thương cô gái ấy biết nhường nào.

2.png

Thông điệp của bộ phim gửi gắm đến khán giả không gì khác ngoài việc tha thiết cổ vũ mọi người hãy sống thật ý nghĩa, hết mình, đừng bao giờ lùi bước và trên hết, hãy biết tự yêu thương chính bản thân. Những lời khuyên chân thành của Will dành cho Lou phải chăng phản ánh đúng khát khao của anh trong hiện tại: Được sống và cống hiến hết mình, tận hưởng trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống – như chàng doanh nhân Traynor đáng ngưỡng mộ trước kia. Ước mơ ấy trở nên nghiệt ngã với anh trong hiện tại, khi giờ đây, đến người con gái anh yêu thương đang ở trước mắt, anh cũng không thể chạm vào.

Ngoài kịch bản, đạo diễn, sự thể hiện của diễn viên, phần âm nhạc cũng góp phần truyền tải thông điệp bộ phim một cách trọn vẹn nhất. Nhạc phim mang hơi hướng country-jazz tuyệt đối ăn ý với từng khung hình thơ mộng của vùng nông thôn Anh quốc.

Một bộ phim vừa phải, đem lại trải nghiệm với đầy đủ cung bậc cảm xúc cho khán giả. Một bộ phim dịu dàng, lãng mạn đến thế, nhưng cũng đủ khiến người ta ám ảnh, ngẩn ngơ khi màn hình đã tắt…

Nếu chỉ còn 6 tháng để sống… liệu có đủ để ta yêu thương?

Bảo Sam

(Bài viết đăng trên suckhoe.com.vn ngày 23/06/2016)

Đời…

Bạn tôi đang phải chịu cú sốc lớn nhất trong cuộc đời. Tôi nghĩ nếu phải địa vị là tôi, chắc tôi gục ngã ngay mất.

Mẹ bạn tôi bị ung thư. Giai đoạn cuối. Trầm trọng hơn, tế bào K đã di căn khắp cơ thể. Dùng mọi mối quan hệ có được, chúng tôi liên hệ với các bác sĩ ở các bệnh viện tại Hà Nội. Nhưng nhận được chỉ là những cái lắc đầu thông cảm.

Ngày bạn tôi nhận được kết luận cuối cùng của bệnh viện, chúng tôi đang ngồi với nhau. Nó nghe điện thoại xong là khóc. Mấy đứa chúng tôi cùng khóc. Thực ra tôi chưa kịp cảm nhận nỗi đau của nó. Chỉ là theo phản xạ, thấy máu mủ của mình đau, mình bị lây theo.

Lần đầu tiên trong đời tôi thấy nó khóc như một đứa trẻ. Ngày xưa, dù bị bạn bè trêu hay bắt nạt thế nào, nó chưa hề rơi nước mắt. Và đó là lần duy nhất nó yếu lòng trước mặt anh em. Tối đó, nó nhắn tôi: “Em yếu đuối nốt hôm nay thôi. Mai phải mạnh mẽ. Giờ em yếu thì nhà này ai gánh?”. Tôi khóc.

Hôm sau, tôi chụp kỉ yếu. Trước khi đưa tôi đến địa điểm chụp, nó vẫn kịp mang đồ vào bệnh viện cho mẹ, vẫn kịp tóc vuốt keo, comple đóng bộ như chú rể. Làm tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm động không nói nên lời.

Những ngày sau đó là chuỗi ngày lặp đi lặp lại với nó. Sáng trông mẹ, cơm nước, chiều đi học. Chị nó vẫn phải đi làm, bố nó ốm đau chẳng giúp đỡ được gì. Mọi việc nó phải cáng đáng gần hết. Bằng tuổi nhau, tôi vẫn được bố mẹ chăm lo, vẫn có thời gian dành cho bản thân, sống chậm. Còn nó đã phải tất bật mọi việc. Nó từng tâm sự với tôi: “Vì mẹ, việc học của em có chậm lại 1 – 2 năm nữa cũng không sao”.

Tối nay, nhận được cú điện thoại bất ngờ: Mẹ nó đang hấp hối. Hai hôm nay hầu như nó không được ngủ. Rồi còn những ngày phía trước nữa…

Tôi thấy nó mờ mịt quá!

18/2/2016

Bảo Sam

Tình cha

Xuân về nhà lúc 10 giờ khuya. Hơn tháng nay, vật lộn với đống sổ sách quyết toán cuối năm, Xuân căng thẳng ức chế hơn bao giờ hết. Sau hai năm ra trường, lao vào cuộc sống, cô tặc lưỡi: “Ừ thì kiếm tiền khó ghê!”

Đèn nhà vẫn sáng. Nghĩa là bố vẫn thức đợi cô. Từ khi Xuân còn đi học, bố  đã luôn chờ cô về, dù có khuya thế nào đi chăng nữa. Bố chỉ an tâm nghỉ ngơi khi cô con gái rượu đã ngủ ngon.

– Hôm nay lại phải tăng ca nữa sao con gái? – Giọng bố trầm mà thật hiền.

– Vâng ạ. Thế mà vẫn chưa xong, con phải mang cả về nhà làm nốt đây – Xuân vừa nói vừa giơ lên một bọc tài liệu dày cộp.

– Tết nhất đến nơi rồi mà! Thôi con vào ăn cơm đi, bố để phần đấy.

Vô tình nhắc đến Tết, không khí giữa bố và Xuân lại chùng xuống. Đã bao năm nay, hai bố con chẳng có một cái Tết trọn vẹn. Mẹ mất sớm, bố vừa là cha, vừa là mẹ, chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Vì Xuân, bố chấp nhận làm một công chức nhỏ đủ nuôi mình, đủ nuôi con mà bỏ qua cơ hội thăng tiến trong công việc. Vì cô con gái nhỏ, bố hy sinh hạnh phúc của mình lúc tuổi còn trẻ. Bố hiểu nỗi đau mất mẹ của Xuân. Bởi vì trước đây, bố cũng đã từng là một cô nhi.

Thức ăn đầy ắp trên bàn được bày biện ngon mắt. Mệt mỏi, Xuân chỉ húp chút nước canh rau cải. Món ăn tuy đơn giản thôi nhưng bố làm rất khéo. Nước dùng của canh phải là nước cốt thịt hoặc nước cá lọc xương mới cho vị ngọt tự nhiên. Canh nóng giã chút gừng vào vừa thơm lại vừa ấm. Xuân hít hả húp liền hai bát canh to. Mồ hôi rịn ra trên trán khiến cô cảm thấy khoan khoái, dịu hơn hẳn.

Tắm rửa xong, Xuân bắt tay ngay vào công việc còn đang dang dở. Làm việc cả ngày liên tục, nhìn những con số lộn nhào, nhảy múa, cô không trụ được lâu mà gục luôn xuống bàn giấy. Trên tay vẫn giữ chặt cây bút và trong đầu vẫn cơ man nào số là số. Cô thiếp đi gần một đêm.

Cái lành lạnh của mùa xuân làm Xuân giật mình tỉnh giấc. Chết cha! Đã sáu giờ sáng rồi! Trên vai Xuân bỗng tuột xuống chiếc chăn mỏng. Có ai đó đêm qua vì lo cô rét đã đeo thêm vào cho cô.

Xuân trở ra buồng ngoài. Phía gian bếp, bố của Xuân đang lúi húi chặt thái, chảo rán xì xèo, lửa cháy đượm.

Đã lâu lắm rồi, Xuân mới quan sát kĩ bố của mình. Xuân yêu bố vô cùng. Cô thần tượng bố, lúc nào cũng kể về bố một cách tự hào. Nhưng dường như giữa Xuân và bố tồn tại một khoảng cách vô hình nào đó. Từ khi mẹ qua đời, Xuân luôn cảm thấy khó khăn khi mở lòng với bố.

Mái tóc bố dạo này “muối đã nhiều hơn tiêu”, trán bố cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn trước. Duy chỉ có khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi và từng trải vẫn còn đó. Ôi thời gian đã làm những gì vậy? Đã bao lâu Xuân chưa nhận ra điều ấy. Có phải vì quá quen thuộc với sự chăm lo bảo bọc của bố mà cô coi đó là những điều hiển nhiên. Cô đã vô tâm quá rồi.

– Con dậy rồi à? Hôm qua bố thấy con ngủ ngon quá nên không đánh thức nữa! – Bắt gặp cái nhìn của Xuân, bố dịu dàng hỏi, tay vẫn tất bật đảo thức ăn.

Xuân mỉm cười, trả lời chẳng ăn nhập tẹo nào:

– Thật may, vì ở đây còn bố!

Đoạn, cô chạy ngay về phòng làm việc, lấy điện thoại bấm thật nhanh một tin nhắn rồi gửi đi: “Sếp! Em xin phép nghỉ hôm nay!”

– Bố! Tí bố con mình đi xem đào quất nhé! Tết nhất đến nơi rồi!

Đâu đó, tiếng dương cầm dịu dàng cất lên trong bình minh của mùa xuân.

12/04/2014

BẢO SAM

Từng có những người bạn như thế… (Tưởng nhớ người bạn mến thương của tôi)

http://mp3.zing.vn/bai-hat/A-Person-Like-Tears-Max-ChangMin/ZW6UWFIO.html

Cấp 1 là khoảng thời gian chứa đầy những kỉ niệm trong veo của tôi.

Ngày ấy, bố mẹ phải đi làm sớm, nên lẽ dĩ nhiên, tôi cũng phải dậy sớm hơn bạn bè, đến lớp lúc nào cũng sớm nhất. Quà ăn sáng luân phiên nhau xoay quanh ba món chính: xôi – bánh mì – bánh bao với tiêu chí nhanh gọn chính xác. Thế là, bình thường thì lớp học sẽ bắt đầu từ 8 giờ hoặc 8 rưỡi, còn tôi thì nghiễm nhiên có mặt từ hẳn một tiếng trước đó, tay cầm lủng lẳng đồ ăn sáng. Ngày nào cũng vậy, đều như vắt chanh. Họa hoằn lắm bố mẹ mới cùng tôi ăn phở hay những thứ gì đó lâu la hơn. Nhưng đồ ăn sáng thì món nào tôi cũng ghét nên cảm giác như nhau…

Hồi đấy, tôi rất sợ đến lớp sớm nhất. Đã thế hôm nào phải cầm gói xôi đến lớp ăn nữa thì thôi rồi. Đang bốc bải mà tự dưng có đứa nào đến thì thật là mất mặt. Những lúc thế thường là ngừng ăn ngay, cất luôn vào cặp. Hehe, mấy lần liền, tôi quên béng đồ ăn trong cặp hẳn một tuần, lúc giở ra xôi mốc meo từ bao giờ, sữa thì bẹp dí. Vứt đi cũng phải giấu xuống đáy sọt rác vì sợ bị phụ huynh mắng.

Về sau, sáng tạo hơn, giờ ngủ trưa, tôi lôi gói xôi của mình ra, nằm chén với một cô bạn. Hai đứa chỉ chén ruốc với lạc, còn xôi thì buổi chiều tôi cũng vứt luôn ở trường. Kỉ niệm đó vui đến nỗi đến tận bây giờ, tôi và cô bạn ấy vẫn hay đùa nhau là “Nhậu ruốc”.

*

Cấp 1 tôi chơi thân với hai người bạn nữa. Một bạn gặp nhau từ ngày đầu tiên đi học, một bạn thì từ lớp 4. Ba đứa kết nghĩa chị em. Một trong số hai cô bạn thân của tôi học organ, thế là hai đứa còn lại cũng nằng nặc đòi bố mẹ mua organ học. Tình yêu với đàn đóm của tôi cũng bắt đầu từ ngày nghe bạn mình đánh “Happy New Year”. Cuốn sách đầu tiên tôi học organ bây giờ đã nát bét, rách lung tung, nốt nhạc nhờ các bạn ghi cũng ghi chi chít,… và bà ngoại tôi giờ đang học nó đấy ^^. Những lá thư nét chữ trẻ con ngộ nghĩnh tôi lưu lại như là những kí ức quý giá nhất của tôi suốt 5 năm đầu sự nghiệp đèn sách. Nhìn lại mấy quyển sách giáo khoa có nét chữ nguêch ngoạc của mình trong đó mới thấy mình đúng đắn khi không cho bọn nó vào đồng nát quá sớm.

Cũng chỉ có hồi đấy thì tình cảm bạn bè mới trong sáng đến vậy. Nghĩ lại, chỉ có cấp 1 con trai mới dám nắm tay con gái vô tư lúc xếp hàng, mới dám ôm nhau, gác lên nhau nằm “tâm sự” cả một buổi trưa xong lúc dậy bị bà giáo phát giác. Có khi mối tình đầu của tôi cũng bắt đầu luôn từ cấp 1 rồi. Hồi lớp 5, ngồi cạnh một anh bạn rất cao to, học hành bình thường, được cái hay lấy cái thước đo độ gí vào cổ tôi làm tôi ngoẹo hết cả lại vì buồn rồi cười khanh khách. Thỉnh thoảng có những mẩu đối thoại kiểu như:

– Mẹ cậu bao nhiêu tuổi rồi?

– Mẹ tớ á? 29 ^^

– Uầy, trẻ thế, mẹ tớ 32 rồi. Thế mẹ cậu làm gì?

– Mẹ tớ ở nhà làm ô mai.

– Uầy giỏi thế. Thế cậu có được ăn không?

– Có chứ. Ăn ô mai gừng, ô mai xào,… bla bla…

– …

Có lần, lúc một thằng bạn bàn trên lên bảng làm toán, tôi cả bạn ấy chém gió tơi bời về ông bạn kia, cười nói rất vui vẻ. Cô bạn thân của tôi ngồi bàn trên quay xuống, cũng vui vẻ chém cùng rồi đột nhiên nghiêm túc:

– Hai cậu thích nhau phải không?

– :O – Đúng không?

– Thì sao? – Cậu ấy lên tiếng trước, thế là tôi cũng bắt đầu hùa theo: “Thì sao nào???” và cả hai đứa trêu lại cô bạn ấy rồi quay lại nhìn nhau cười hề hề.

Kỉ niệm rất đẹp. Thế mà lớn hơn, cậu bạn ấy của tôi biến thành đầu gấu, học hành chắc cũng chểnh mảng. Chúng tôi học cùng trường cấp 2 với nhau nhưng ít khi gặp nhau. Cuối lớp 8, cậu ấy đánh luôn cả một đứa bạn khác của tôi chảy máu đầu… Hơi bị oách đấy!

*

Một cậu bạn nhỏ con, lùn lùn, chắc chỉ cao đến tai tôi, có nụ cười rất hiền. Ấn tượng về cậu ấy trong tôi bắt đầu được lưu lại từ năm học lớp 2. Tên cậu ấy là Bách. Hồi đấy, tôi toàn gọi cậu ấy là “Backstreetboys” thôi. Mỗi lần nghe tôi gọi vậy, Bách toàn cười rất tươi rồi làm trò hề để tôi cười rũ cả ra. Mắt cậu rất sáng, để đầu cua và ấn tượng rõ nhất nhưng có vẻ buồn cười nhất của tôi về Bách là mùa đông cậu ấy hay đội cái mũ len thò mỗi hai con mắt ra nhìn như Binladen vậy. Chữ Bách rất tròn, rất đẹp. Trong cuốn sổ điện thoại của tôi vẫn còn những dòng chữ của cậu ấy gần chục năm trước.

Năm lớp 2, khi học xong bố mẹ chưa kịp đón, tôi thường về nhà bạn của bố mẹ để chờ bố mẹ. Quãng đường không xa nhưng phải qua đường. Tôi lúc ấy thì không biết sang đường, cứ nhích lên lại lùi xuống loay hoay có khi cả chục phút không sang được cái ngã tư. Có lần, Bách cũng đi cùng đường với tôi, hỏi ra mới biết nhà cậu bạn cũng ở phố Lò Sũ. Đến giữa phố, Bách hồn nhiên nhờ bác trông xe bên này dẫn sang đường, tôi cứ thế ton tót đi theo. Từ đấy, ngày nào tôi cũng về cùng Bách, hôm nào không về cùng thì cũng tự động bắt chước nhờ bác trai tốt bụng dẫn sang đường.

Năm lớp 3, học ở địa điểm khác, lớp học bé nên cô giáo rất dễ theo dõi học sinh. Mà tôi hồi đấy thì lười học lắm. Toàn không thuộc bài với không làm bài tập, bài vở thì lớt chớt. Cô giáo thì hay nổi hứng, gọi mang vở lên kiểm tra. Những lần như vậy, Bách cả tôi toàn trốn xuống gầm bàn. Chả hiểu sao trí óc trẻ thơ lại nghĩ rằng cái gầm bàn có thể khiến cô giáo không nhìn thấy mình. Nhưng rất may mắn, bọn tôi toàn thoát theo cách đó thôi. Có lần, cô không gọi mang vở mà lại bảo các tổ trưởng đi kiểm tra. Bí quá, tôi bèn liều lên giả vờ: “Cô ơi, con bị đau bụng. Cô cho con lên y tế xoa dầu ạ.” Cô thấy mình giọng run run nên cho đi lên luôn. Đâu có biết rằng lúc đấy mặt mình trắng bệch là vì lí do khác. Còn mỗi mình Bách chịu trận. Dĩ nhiên là kiểm điểm mời phụ huynh rồi. Nhưng lưới trời lồng lộng, thoát lần đầu không có nghĩa là thoát cả đời, về sau cũng có một lần tôi được ngồi xơi nước với cô giáo vì tội … cố tình quên làm bài tập về nhà mặc dù được nghỉ từ thứ 6… *Về sau chừa luôn*

Lớp 4 tôi dần thoát khỏi cảnh cô đơn vì đến sớm nhất lớp mà có thêm nhiều chiến hữu cùng cảnh ngộ hơn. Chắc cả đời này không quên được hình ảnh hồ Gươm ngày rét cứng người năm ấy. Vì cửa nhà cô giáo chưa mở nên tôi cứ thế đứng chờ ở dưới đường, gió từ hồ tha hồ lùa hết vào mặt, tay cầm gói xôi cũng run run. Tôi đứng được mấy phút thì mẹ Bách chở Bách đến. Ấn tượng mãi bởi vì hồi ấy mẹ Bách để quả đầu rất “hổ báo”, lại vòng xe nhìn rất là nghề. Nhìn ra dáng hai mẹ con Bách rất giống nhau. Bách mũ mão kín mít, tay cũng cầm bánh mì hay xôi gì đó chạy lại phía tôi, cười toe. Nụ cười ấy rất đẹp. Hỏi vì sao sau bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ như in vậy, chắc bởi có lẽ do nụ cười của Bách, đẹp đến ám ảnh.

Máu hổ báo từ bé nên tôi bắt nạt tối đa những ai có thể bắt nạt, càng là con trai lại càng thích dây vào. Bách không ngoại lệ. Tôi bắt cậu ấy gọi tôi là chị. Cậu ấy dĩ nhiên chấp thuận dễ dàng.

Trên lớp, chúng tôi không cùng tổ, lại cách xa nhau, đứa đầu lớp đứa cuối lớp nên cũng chỉ có bấy nhiêu ấn tượng. Còn chắc chắn là tôi quý Bách vô cùng.

Lớp 6, tôi học Nguyễn Du, những ai đúng tuyến cấp 1 cũng chuyển thẳng lên Nguyễn Du. Vì thế, số bạn bè học cùng cấp 1 lại lên học cùng cấp 2 với tôi rất đông. Bách cũng học Nguyễn Du với tôi, nhưng khác lớp. Tôi 6D thì cậu ấy 6A. Thỉnh thoảng ra chơi vẫn gặp cậu ấy. Thường là cậu ấy trông thấy tôi trước và lại ra làm bộ mặt nhe nhởn làm tôi vừa tức vừa buồn cười. Cứ thế năm lớp 6 của tôi trôi đi thật nhanh. Ngày định mệnh của Bách cũng đến gần hơn.

Có bao nhiêu con người đi qua cuộc đời của một con người? Cứ đến rồi đi, lặng lẽ như thế.

Một buổi chiều thu tháng 10, năm tôi học lớp 7, ngày thứ 7, học môn Sinh. Bạn bàn dưới của tôi, cũng là hàng xóm của Bách hỏi tôi bâng quơ: “Thằng Bách gần nhà em mất rồi đấy!” . Bách nào? Bách ở Lò Sũ hả? Cả họ cả tên là Vũ Xuân Bách, học cấp 1 Nguyễn Du ý hả, học 7A trường mình phải không?

Tôi không tin, cũng không muốn tin. Muốn tự mình kiểm chứng. Và rồi cái sự thật đau lòng ấy đập thẳng vào mặt tôi như một cái tát khi tôi nhìn thấy tờ cáo phó có tên bạn mình, từng chữ một: VŨ XUÂN BÁCH, 1994. Bách ơi! Bước vào cái ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà của bạn đã cảm thấy lạnh lẽo, im ắng đến buồn thương. Bàn thờ cậu, bức ảnh của cậu, vô cảm. Mẹ cậu kia, gắng gượng ngồi dậy nói với chúng tôi một câu: “Các con đến chào bạn lần cuối đấy à?”. Tôi chắp tay, nhìn vào ảnh của Bách, miệng chỉ liên tục gọi: “Bách, Bách, Bách ơi,…”

Lần đầu tiên trong đời tôi có đi dự một đám tang, lại là đám tang người bạn của mình. Cũng là lần đầu tiên tôi ghé mắt vào quan tài để chào bạn lần cuối. Bách nằm đấy, thanh thản, bình yên nhưng nụ cười trong veo thì chẳng còn nữa. Nhói đau…

Về sau, qua một vài người bạn, tôi mới biết Bách mắc phải một căn bệnh hiếm gặp. Biết rõ bệnh tình của mình, Bách lúc nào cũng bảo bố mẹ đừng cố chạy chữa cho mình làm gì, tốn kém. Những ngày cuối đời, Bách muốn về nhà, ra đi ở nhà trong vòng tay của người thân lúc nào cũng ấm áp hơn. Nhiều lúc tự hỏi: Một cậu trai mới 13 tuổi đầu, vô ưu vô lo sao có thể nghĩ được những điều sâu xa đến thế? Nhà có hai anh em trai, theo lời kể của bà nội Bách thì Bách sống tình cảm và nghe lời hơn. Tôi biết mà, nụ cười trong veo ấy.

Những khoảnh khắc chớp giật trong cuộc sống thoáng qua nhưng có thể lại là những kỉ niệm sâu nhất, đáng ghi nhớ nhất. Bách cũng vậy, một mảnh ghép trong kí ức tuổi thơ của tôi, mà tôi mãi không quên

Tròn 7 năm ngày mất của Bách, mấy dòng cảm xúc nhất thời như một nén hương tưởng nhớ người bạn thời ấu thơ.

01/11/2013

BẢO SAM

1382998_616171818428682_713818345_n