Review: Nắng trong vườn

Xuất hiện trên thi đàn văn chương khá muộn nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Thạch Lam (tên thật là Nguyễn Tường Lân) trong đời sống văn chương đương thời. Sự mới mẻ trong phong cách sáng tác và tư duy nghệ thuật của ông chính là nguồn đề tài luận bàn sôi nổi, không bao giờ vơi cạn trong giới văn sĩ hay những người ưa thích văn chương. 

Sinh thời, Thạch Lam cùng với những người anh em ruột là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) lập ra nhóm Tự Lực văn đoàn. So với những người còn lại, sách của Thạch Lam bán chậm nhất. Có thể văn Thạch Lam lạ quá, kén người đọc quá. Thạch Lam không viết những điều người ta muốn nghe, ông viết những điều ông thấy cần phải viết. Hơn một lần, ông bộc bạch nỗi lòng của mình trong tác phẩm “Cuốn sách bỏ quên”: “Thật ra, sách không bán chạy chưa phải chứng rằng chàng không có tài; nhiều nhà văn nổi tiếng khắp hoàn cầu lúc mới đầu chẳng bị bỏ quên và thiên hạ hững hờ là gì. Sự lãnh đạm của công chúng nhiều khi là cái dấu hiệu của một tài năng xuất chúng, không được người ta hiểu vì vượt ra ngoài khuôn sáo thường”. 

Truyện của Thạch Lam đa số không có cốt truyện. Nó đôi khi chỉ là một lát cắt, một cảnh quay dài, một trích dẫn hay một đoạn ghi chép về những gì ông quan sát được. Ông không nói những điều đao to búa lớn mà thay vào đó, gạn lọc ra cái đẹp, cái quí giá từ những điều nhỏ bé mà người ta thường không để ý mà bỏ qua mất.  

Trở lại với Nắng trong vườn (Nhã Nam phát hành), cuốn sách là tập hợp 12 truyện ngắn được in lại theo bản in của báo Đời Nay năm 1938. Từ tập truyện này có thể khái quát hai nét đặc sắc trong truyện ngắn của Thạch Lam. 

Một là, nghệ thuật tả cảnh đạt đến độ nhuần nhuyễn với cách sử dụng từ ngữ điêu luyện, hay thủ pháp “tả cảnh ngụ tình”. Dường như sự hiện diện của thiên nhiên luôn là cái cớ để nhân vật của Thạch Lam được dịp giãi bày, để từ đó ta tiến một bước sâu hơn vào nội tâm nhân vật. Những sắc độ sáng – tối đối lập nhau của cảnh vật trong “Hai đứa trẻ” giúp người ta nhìn ra sự buồn bã thê lương nơi phố huyện nghèo, cùng le lói niềm tin của những đứa trẻ về một điều gì đó mơ hồ, xa xôi. Cảnh vật yên tĩnh và tinh khôi của “Buổi sớm” mai đánh thức những cảm giác trong sạch, thanh cao ngày nhỏ của cậu bé Bình, làm sống dậy những rung động tưởng chừng như đã ngủ quên rất lâu trong lòng Bình để hành động tiếp theo của chàng là ngắt một bông hoa hồng vừa hé, “khép giữ một giọt sương long lanh như ngọc” dâng lên mẹ như những ngày cũ chàng vẫn hay làm. Có ý kiến cho rằng, đọc văn Thạch Lam, đặc biệt ở những đoạn tả cảnh, nếu để ý sẽ còn cảm thấy có nhịp điệu như thơ và âm sắc như nhạc. Để làm được điều này, tác giả, ngoài con mắt quan sát tinh tường, chắc hẳn đã phải vận dụng mọi giác quan để thấu cảm rồi tỉ mỉ, kỳ công trình bày bằng trái tim của một nhà văn, nhà thơ, người họa sĩ, nhà soạn nhạc.         

Hai là, tính nhân văn thấm đẫm trong các câu chuyện. Có lẽ thời gian sống và tiếp xúc với những người nông dân lao động ở Cẩm Giàng đã cho Thạch Lam một niềm cảm thông đặc biệt với những phận người thuộc tầng lớp dưới. Ở truyện ngắn “Bên kia sông”, kể về cái Bến Sen đìu hiu, buồn thảm, ông dành trọn sự thương xót cho những kẻ không may sa cơ lỡ vận vì thời cuộc đổi thay. Hay như truyện “Đứa con”, ta thấy Thạch Lam tuyệt đối đứng về những người nghèo khi an ủi họ bằng niềm hạnh phúc được sống với thiên chức làm mẹ, khẳng định triết lý: Người giàu, kẻ lắm tiền – chưa chắc đã hạnh phúc. Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến truyện “Người đầm”. Ở đây, tinh thần nhân đạo của Thạch Lam đã vượt lên mọi khác biệt về giai cấp, quốc gia để trở về giá trị nhân bản của nó: là giữa người với người.   

Tính nhân văn trong truyện ngắn Thạch Lam còn thể hiện qua tư duy mới mẻ về tình yêu đôi lứa. Với Thạch Lam, yêu là phải hết mình. Các cặp đôi trong truyện ngắn Thạch Lam hầu hết đều được ông sắp xếp cho một số phận, hoàn cảnh đặc biệt, nếu không muốn nói là éo le. Để từ đó, các nhân vật dám vượt qua mọi rào cản văn hóa, thách thức những khuôn vàng thước ngọc của chuẩn mực xã hội để đi đến tận cùng cái gọi là bản năng con người. Như Tiến và Thân trong “Tiếng sáo”, như Điền và Mai trong “Trong bóng tối buổi chiều” hay Tuân và Mai trong “Đêm sáng trăng”. Với các văn sĩ cùng thời, có lẽ Thạch Lam là người đầu tiên dám đưa những khát khao, táo bạo tính dục trong tình yêu vào truyện. Ta bắt gặp những đắm say vồn vã của Bình và Hậu trong “Nắng trong vườn”:

“Vừa xuống thuyền, Hậu đã ôm quàng lấy vai tôi, ngập ngừng nói những lời ân ái. Tôi thấy tấm thân trẻ và dẻo dang của Hậu quấn lấy tôi như một dây leo. Chúng tôi hòa hơi thở với nhau, tóc nàng bỗng buông xõa trên người tôi, thoảng ra một thứ hương ngát dịu và đầm ấm”.

Hay cuộc ái ân bi kịch của Tuân và Mai trước ngày nàng lên xe hoa trong “Đêm sáng trăng”:

“Nàng vòng tay qua cổ Tuân kéo chàng cúi xuống nàng hòa hợp trong một cái hôn lặng lẽ. Đôi môi nàng chảy máu và đau đớn; Mai sung sướng chịu đau, gửi thác trong cánh tay Tuân tất cả thân thể và tâm hồn trong sạch của nàng”.

Văn nghiệp của Thạch Lam không kéo dài. Năm 1942, khi đạt đến độ chín trong sự nghiệp, ông đột ngột qua đời ở tuổi 32 vì căn bệnh lao phổi. Sự ra đi của Thạch Lam đã từng để lại một khoảng trống lớn trên văn đàn bấy giờ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời cầm bút của ông, có thể khẳng định chừng ấy là quá đủ để thừa nhận một tài năng lớn, một nhân cách lớn không thể vắng bóng trong tiến trình lịch sử văn chương Việt Nam. 

P.S: Mình thích cuốn này nhưng truyện cùng tên cuốn sách lại là truyện ngắn mình ghét nhất. Chắc tại thằng nhân vật chính khốn nạn quá =))