Review: Nắng trong vườn

Xuất hiện trên thi đàn văn chương khá muộn nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Thạch Lam (tên thật là Nguyễn Tường Lân) trong đời sống văn chương đương thời. Sự mới mẻ trong phong cách sáng tác và tư duy nghệ thuật của ông chính là nguồn đề tài luận bàn sôi nổi, không bao giờ vơi cạn trong giới văn sĩ hay những người ưa thích văn chương. 

Sinh thời, Thạch Lam cùng với những người anh em ruột là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) lập ra nhóm Tự Lực văn đoàn. So với những người còn lại, sách của Thạch Lam bán chậm nhất. Có thể văn Thạch Lam lạ quá, kén người đọc quá. Thạch Lam không viết những điều người ta muốn nghe, ông viết những điều ông thấy cần phải viết. Hơn một lần, ông bộc bạch nỗi lòng của mình trong tác phẩm “Cuốn sách bỏ quên”: “Thật ra, sách không bán chạy chưa phải chứng rằng chàng không có tài; nhiều nhà văn nổi tiếng khắp hoàn cầu lúc mới đầu chẳng bị bỏ quên và thiên hạ hững hờ là gì. Sự lãnh đạm của công chúng nhiều khi là cái dấu hiệu của một tài năng xuất chúng, không được người ta hiểu vì vượt ra ngoài khuôn sáo thường”. 

Truyện của Thạch Lam đa số không có cốt truyện. Nó đôi khi chỉ là một lát cắt, một cảnh quay dài, một trích dẫn hay một đoạn ghi chép về những gì ông quan sát được. Ông không nói những điều đao to búa lớn mà thay vào đó, gạn lọc ra cái đẹp, cái quí giá từ những điều nhỏ bé mà người ta thường không để ý mà bỏ qua mất.  

Trở lại với Nắng trong vườn (Nhã Nam phát hành), cuốn sách là tập hợp 12 truyện ngắn được in lại theo bản in của báo Đời Nay năm 1938. Từ tập truyện này có thể khái quát hai nét đặc sắc trong truyện ngắn của Thạch Lam. 

Một là, nghệ thuật tả cảnh đạt đến độ nhuần nhuyễn với cách sử dụng từ ngữ điêu luyện, hay thủ pháp “tả cảnh ngụ tình”. Dường như sự hiện diện của thiên nhiên luôn là cái cớ để nhân vật của Thạch Lam được dịp giãi bày, để từ đó ta tiến một bước sâu hơn vào nội tâm nhân vật. Những sắc độ sáng – tối đối lập nhau của cảnh vật trong “Hai đứa trẻ” giúp người ta nhìn ra sự buồn bã thê lương nơi phố huyện nghèo, cùng le lói niềm tin của những đứa trẻ về một điều gì đó mơ hồ, xa xôi. Cảnh vật yên tĩnh và tinh khôi của “Buổi sớm” mai đánh thức những cảm giác trong sạch, thanh cao ngày nhỏ của cậu bé Bình, làm sống dậy những rung động tưởng chừng như đã ngủ quên rất lâu trong lòng Bình để hành động tiếp theo của chàng là ngắt một bông hoa hồng vừa hé, “khép giữ một giọt sương long lanh như ngọc” dâng lên mẹ như những ngày cũ chàng vẫn hay làm. Có ý kiến cho rằng, đọc văn Thạch Lam, đặc biệt ở những đoạn tả cảnh, nếu để ý sẽ còn cảm thấy có nhịp điệu như thơ và âm sắc như nhạc. Để làm được điều này, tác giả, ngoài con mắt quan sát tinh tường, chắc hẳn đã phải vận dụng mọi giác quan để thấu cảm rồi tỉ mỉ, kỳ công trình bày bằng trái tim của một nhà văn, nhà thơ, người họa sĩ, nhà soạn nhạc.         

Hai là, tính nhân văn thấm đẫm trong các câu chuyện. Có lẽ thời gian sống và tiếp xúc với những người nông dân lao động ở Cẩm Giàng đã cho Thạch Lam một niềm cảm thông đặc biệt với những phận người thuộc tầng lớp dưới. Ở truyện ngắn “Bên kia sông”, kể về cái Bến Sen đìu hiu, buồn thảm, ông dành trọn sự thương xót cho những kẻ không may sa cơ lỡ vận vì thời cuộc đổi thay. Hay như truyện “Đứa con”, ta thấy Thạch Lam tuyệt đối đứng về những người nghèo khi an ủi họ bằng niềm hạnh phúc được sống với thiên chức làm mẹ, khẳng định triết lý: Người giàu, kẻ lắm tiền – chưa chắc đã hạnh phúc. Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến truyện “Người đầm”. Ở đây, tinh thần nhân đạo của Thạch Lam đã vượt lên mọi khác biệt về giai cấp, quốc gia để trở về giá trị nhân bản của nó: là giữa người với người.   

Tính nhân văn trong truyện ngắn Thạch Lam còn thể hiện qua tư duy mới mẻ về tình yêu đôi lứa. Với Thạch Lam, yêu là phải hết mình. Các cặp đôi trong truyện ngắn Thạch Lam hầu hết đều được ông sắp xếp cho một số phận, hoàn cảnh đặc biệt, nếu không muốn nói là éo le. Để từ đó, các nhân vật dám vượt qua mọi rào cản văn hóa, thách thức những khuôn vàng thước ngọc của chuẩn mực xã hội để đi đến tận cùng cái gọi là bản năng con người. Như Tiến và Thân trong “Tiếng sáo”, như Điền và Mai trong “Trong bóng tối buổi chiều” hay Tuân và Mai trong “Đêm sáng trăng”. Với các văn sĩ cùng thời, có lẽ Thạch Lam là người đầu tiên dám đưa những khát khao, táo bạo tính dục trong tình yêu vào truyện. Ta bắt gặp những đắm say vồn vã của Bình và Hậu trong “Nắng trong vườn”:

“Vừa xuống thuyền, Hậu đã ôm quàng lấy vai tôi, ngập ngừng nói những lời ân ái. Tôi thấy tấm thân trẻ và dẻo dang của Hậu quấn lấy tôi như một dây leo. Chúng tôi hòa hơi thở với nhau, tóc nàng bỗng buông xõa trên người tôi, thoảng ra một thứ hương ngát dịu và đầm ấm”.

Hay cuộc ái ân bi kịch của Tuân và Mai trước ngày nàng lên xe hoa trong “Đêm sáng trăng”:

“Nàng vòng tay qua cổ Tuân kéo chàng cúi xuống nàng hòa hợp trong một cái hôn lặng lẽ. Đôi môi nàng chảy máu và đau đớn; Mai sung sướng chịu đau, gửi thác trong cánh tay Tuân tất cả thân thể và tâm hồn trong sạch của nàng”.

Văn nghiệp của Thạch Lam không kéo dài. Năm 1942, khi đạt đến độ chín trong sự nghiệp, ông đột ngột qua đời ở tuổi 32 vì căn bệnh lao phổi. Sự ra đi của Thạch Lam đã từng để lại một khoảng trống lớn trên văn đàn bấy giờ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời cầm bút của ông, có thể khẳng định chừng ấy là quá đủ để thừa nhận một tài năng lớn, một nhân cách lớn không thể vắng bóng trong tiến trình lịch sử văn chương Việt Nam. 

P.S: Mình thích cuốn này nhưng truyện cùng tên cuốn sách lại là truyện ngắn mình ghét nhất. Chắc tại thằng nhân vật chính khốn nạn quá =))

Review: Cảm ơn người lớn

109806879_3220606277985210_5490725349411885154_n

Phải thẳng thắn thừa nhận, Nguyễn Nhật Ánh có chút tham lam khi không chỉ sử dụng một, mà những hai lần tấm vé đáp xuống ga tàu tuổi thơ. Đúng 10 năm sau “cơn sốt” Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, “hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” tiếp tục trình làng truyện dài Cảm ơn người lớn – mời gọi độc giả tiếp tục đồng hành trên chuyến tàu đặc biệt tìm về thơ ấu. Tác giả một lần nữa “xuyên không” trở thành Cu Mùi 8 tuổi, bên cạnh “cô vợ” hiền Tí sún, cùng “người tình trong mộng” Tủn xinh đẹp và thằng bạn láu cá Hải cò. Và những độc giả của Nguyễn Nhật Ánh cũng không ngoại lệ, tất thảy đều “thu nhỏ” lại thành những cô bé, cậu bé con nghịch ngợm, hòa vào những trò chơi mà bọn Cu Mùi bày ra. Đó là thế giới của trẻ thơ, cũng li kì, sóng gió chẳng kém gì người lớn.

Xen lẫn những câu chuyện của bốn người bạn nhỏ là những ghi chép suy tư của Cu Mùi “nhớn” – nay đã bước qua tuổi 60. Và đặc biệt hơn nữa, tương lai của những Tí sún “nhớn”, Tủn “nhớn”, hay Hải cò “nhớn” cũng đều được Cu Mùi “nhớn” tiết lộ.

Con người ngày nay dường như bị cuốn quá nhanh theo guồng máy cuộc sống hiện đại. Trẻ con không nằm ngoài quy luật ấy khi chúng bị buộc phải lớn nhanh, sống nhanh. Giả sử một ngày kia, những mầm non ấy trưởng thành, chúng sẽ trả lời ra sao nếu được hỏi: Tuổi thơ của bạn có gì? Chúng sẽ bấu víu vào đâu mỗi khi tâm hồn chông chênh, mỏi mệt? Còn gì đúng hơn những trái ngọt tuổi thơ.

Người lớn à, hãy mang đến cho con trẻ một tuổi thơ đúng nghĩa.

Còn những người lớn, khi nghĩ về tuổi thơ mà có thể cười thật tươi, líu ríu kể đến từng câu chuyện cỏn con nhất, thì xin chúc mừng nhé!

Review: Cơ sở văn hóa Việt Nam – Trần Ngọc Thêm

107457614_3212613218784516_7274954534805709319_n

Văn hoá là lĩnh vực mình vô cùng hứng thú, do vậy mà mình cũng một thói quen khá lạ là tìm đọc nhiều giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam của các trường đại học. 

Đã từng đọc qua các giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam của thầy Trần Quốc Vượng, của HV Báo chí & Tuyên truyền biên soạn, đến cuốn của thầy Trần Ngọc Thêm thì có lẽ là đây là cuốn sách học thuật đầy đủ, súc tích và dễ hiểu nhất trong những cuốn mình đã đọc. 

Trước hết sách đưa ra được khái niệm Văn hoá rõ ràng: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (trang 10)

Văn hoá Việt Nam được xác định thuộc văn hoá gốc nông nghiệp. Xét trên bình diện địa lý, văn hoá Việt lại được chia thành các vùng văn hoá, đó là: Vùng văn hoá Việt Bắc, Tây Bắc, Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Mỗi vùng văn hoá này lại mang những nét đặc trưng riêng nhưng vẫn có những nét chung của một hệ thống văn hoá hoàn chỉnh. Sách trình bày theo logic này.  

Cấu trúc của hệ thống văn hoá gồm:

  • Văn hoá tổ chức cộng đồng (gồm Văn hoá tổ chức đời sống tập thể và Văn hoá tổ chức đời sống cá nhân)
  • Văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên (gồm Văn hoá tận dụng môi trường tự nhiên và Văn hoá ứng phó với môi trường tự nhiên)
  • Văn hoá ứng xử với môi trường xã hội (gồm Văn hoá tận dụng môi trường xã hội và Văn hoá ứng phó với môi trường xã hội)
  • Văn hoá nhận thức (gồm Nhận thức về vũ trụ và Nhận thức về con người)

Trong mỗi thành tố của cấu trúc văn hoá, văn hoá Việt Nam lại được so sánh, đối chiếu với các nền văn hoá như Trung Hoa, phương Tây,… để rồi xác định được bản chất độc đáo, thiên về âm tính, vừa tổng hợp lại vừa linh hoạt, vừa dung hợp lại vừa tích hợp. Những đặc điểm này khiến cho văn hoá Việt mang nét riêng, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử nhưng vẫn giữ được cái hồn cốt tinh tuý để không bị hoà lẫn với các nền văn hoá khác. 

Tuy là sách học thuật nặng tính khoa học, nghiên cứu nhưng khi đọc không hề khiến mình cảm thấy nặng nề bởi chất biểu cảm trong lối diễn đạt. Cuốn sách in đậm lòng tự tôn dân tộc với những phân tích cẩn trọng, sâu sắc qua vô số nghiên cứu. Có những đoạn viết lại vô cùng hài hước, thâm thuý, hơn 1 lần khiến mình bật cười và phấn khích đến mức chụp ngay lại khoe trên story Facebook. Cũng có một  số chi tiết mình không đồng tình và có phản biện, sách viết vào những năm 90 nên một số luận điểm qua kiểm chứng thực tiễn, xét lại đến nay đã không còn đúng. Mình sẽ không bàn ở đây, mọi người đọc và tự cảm nhận. (P/S: Mình đọc bản in năm 2008)

Sách trình bày khoa học, có nhiều bảng biểu vắn tắt kiến thức, có bôi đậm, gạch chân, in nghiêng những điểm cần chú ý. 

Tóm lại đây là cuốn sách nên được đọc nghiêm túc (vì đây cũng là một trong các môn học đại cương mà). Đọc để hiểu, để yêu và tự hào vì là con Rồng cháu Tiên. Và với những bạn quan tâm đến văn hoá như mình thì rõ ràng đây là cuốn sách đại cương dẫn dắt bạn tiếp cận văn hoá một cách khoa học, logic nhất.

Một vài trích dẫn thú vị trong sách:

– “… Người Việt Nam có nhược điểm là thiếu tính quyết đoán. Để tránh phải quyết đoán, và đồng thời giữ được sự hoà thuận, không làm mất lòng ai, người Việt rất hay cười. Nụ cười là một bộ phận quan trọng trong thói quen giao tiếp của người Việt, người ta có thể gặp nụ cười Việt Nam vào cả những lúc ít chờ đợi nhất”. (trang 159)

– “Thậm chí ngay cả trong việc chửi nhau, người Việt cũng chửi một cách bài bản, cân đối, nhịp nhàng, đầy chất thơ; không chỉ lời chửi, mà cả cách thức chửi, dáng điệu chửi cũng mang tính nhịp điệu. Với lối chửi có vần điệu, cấu trúc chặt chẽ, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được”. (trang 162)

Review: Hắt xì

28954305_1738083326237520_355648001655396795_o
Ngốc, ngốc nghếch vô cùng. Chỉ có thể thốt lên như vậy khi đọc những trang đầu tiên. Cho đến tận khi kết thúc truyện, không kiềm được lại phải thốt lên: “Ngốc lắm!” mà nước mắt cứ thế giàn giụa. Mấy ai có đủ dũng khí để theo đuổi một người khi biết rằng vĩnh viễn mình chẳng bao giờ có cơ hội. Mấy ai dù biết bên người ấy đã có một người rất tốt vẫn luôn cố gắng không ngừng cố gắng chứng minh tình yêu của mình.

Cô ấy nói thích một người con trai mạnh mẽ.

Cậu ấy tập quyền anh, nghĩ rằng khi đấm đá là lúc người con trai “ngầu” nhất.

Người yêu của cô ấy là một siêu anh hùng.

Cậu ấy là người thường. Không tài nào cạnh tranh nổi.

Kẻ được mệnh danh “không bao giờ gục ngã” trên sàn đấu lại có thể rơi nước mắt “vì hôm nay cô ấy không đến”.

Cú đấm sát thủ cậu ấy tập luyện không ngừng nghỉ để dành cho trận đấu lịch sử hóa ra lại là cú đấm giúp cậu cứu người con gái cậu yêu thương. Đó là cú đấm tuyệt nhất, ngầu nhất. Cũng là cú đấm khiến người đọc đau lòng nhất. Giống như tình yêu của Nghĩa Trí dành cho Tâm Tâm ngốc nghếch mà chân thành đến như thế.


Ông tác giả có vẻ mê quyền anh nên từ “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” cho đến “Hắt xì” đều cho nam chính chơi cái trò đấm đá tóe loe này. Máu chảy đầu rơi, bạo lực, thật là hại não hết sức!!!

Review: Hà Nội trong mắt tôi

28953851_1738083272904192_2377311538536577138_o

Cứ thành thông lệ, cứ đầu năm năm nào cũng đọc về Hà Nội, lại còn phải là của Nguyễn Khải. Đọc đi đọc lại không biết chán. Và lần nào đọc cũng giật mình thon thót như lần đầu tiên. Chính cái ông tác giả không dưới một lần tự nhận mình là người rất hèn, ngại va chạm, ngại những thành phần rắn mặt. Thế mà cũng ông ấy lạnh lùng đưa ra nhận định: “Người ở địa vị thấp thường hay tự ái nên thích khoe mẽ, thích làm ra vẻ từ ăn mặc trang điểm đến cung cách cư xử nói năng” thì có nhột không. 

Truyện của Nguyễn Khải thực ra chẳng có gì. Đơn giản, không hại não, chỉ đơn giản ngồi xuống uống một tuần trà, nghe thuật lại một chuyện bên hàng xóm. Vui vẻ xong đâu đấy rồi tối về ngẫm nghĩ, lại giật mình, lại “chắc nó trừ mình ra”. Ấy cũng là cái tài, cái duyên khéo hầu chuyện. 

Nhân lần đọc thứ n:

Mình đến với “Hà Nội trong mắt tôi”, cũng như đến với Nguyễn Khải từ truyện ngắn “Một người Hà Nội” năm học lớp 12. Sự mến mộ cái đức, cái tầm nhìn xa của người đàn bà hết sức thức thời và sắc sảo, tên Hiền – nhân vật chính trong truyện khiến mình tò mò tìm thêm các tác phẩm khác của Nguyễn Khải. Để rồi với mỗi truyện ngắn, mình lại có niềm yêu, niềm giận hờn với từng nhân vật trong đó.

Truyện ngắn Nguyễn Khải không có quá nhiều thoại. Đôi khi câu chữ của nhân vật lẫn cả vào suy tư, ý nghĩ, diễn giải của tác giả. Chính vì vậy, đọc Nguyễn Khải không khiến một độc giả tầm thường như mình phải dò dẫm xem ý tác giả ở đây là gì. Văn Nguyễn Khải rất đời, rất thiết thực, nói đúng, nói trúng và đọc xong là cảm thấy rất đã. Ông quan sát những con người xung quanh bằng cái nhìn tế nhị và miêu tả tâm lý của họ như thể chính ông là người trải qua câu chuyện ấy. Có lẽ vì vậy mà truyện nào của ông, dù vui hay buồn, cũng đều thấm đẫm tình người. Đó có thể là cái “Nếp nhà” gia giáo có tới ba gia đình, ba thế hệ cùng chung sống; đó có thể là niềm vui muộn mằn tuổi xế chiều của bà Bơ cùng người chồng mà bà từng lỡ duyên ngày còn trẻ trong “Nắng chiều”; hay là tình nghĩa đồng đội, tình cảm vợ chồng của Dụ – một “Nghệ nhân ở làng” gửi gắm hết vào những khúc gỗ được mài đẽo công phu. 

Nhân vật chính trong các tác phẩm của Nguyễn Khải chủ yếu là phụ nữ. Họ là nhân chứng cho những biến thiên của lịch sử. Họ đều là những người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát, một tay quán xuyến gia đình. Có những người là nữ chỉ huy giỏi, và tất nhiên, cũng có những “nội tướng” thất bại, phải chịu nhiều thua thiệt, bất công sau những hy sinh thầm lặng, mà nguyên nhân một phần là do sự biến tướng của xã hội. Không dưới một lần, Nguyễn Khải đã cảm thán bất bình thay cho phận người phụ nữ: “Ồ, một người đàn bà xinh đẹp như thế, lại thông minh, lại độ lượng mà không giữ nổi thằng chồng tới lúc bạc đầu nghĩa là làm sao?” (Một mẹ chồng tuyệt vời). Ừ! Đáng để nghĩ đấy nhỉ, những câu chuyện được viết trên dưới ba chục năm rồi mà vẫn đúng thế sao?

Review: Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình

28953910_1738083186237534_6934070421965226611_o

Vẫn là một tập truyện đậm chất Dương Thụy. Vẫn bối cảnh châu Âu đẹp như mơ, vẫn những cô gái cá tính căng tràn sức sống muốn thách thức định kiến xã hội. Vẫn giọng điệu hài hước làm người ta thoải mái cầm cuốn sách không chút dè dặt. Nhưng cái bóng của “Oxford thương yêu” vẫn còn quá lớn, truyện nào cũng khiến mình cố tìm ra cho bằng được bóng dáng của Kim hay Fernando trong đó. Thành thử cả tập truyện bị một màu, giống hệt cảm giác đọc “Nhắm mắt thấy Paris” ngày trước. 

“Nụ hôn ngược chiều thời gian” và “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình” là 2 câu chuyện mình yêu nhất.  

Review: Sống như người Paris

29354841_1738083109570875_8540038211953935820_o

Ấn tượng đầu tiên là sách vô cùng đẹp, tạo hiệu ứng visual tuyệt vời, lại có thêm nàng thơ Caroline của Lancôme là đồng tác giả thì càng có thêm lý do để tò mò. 

Những quý cô Paris có gì khác biệt? Có phải hẳn nhiên từ chính những cô gái này đã toát ra khí chất thanh lịch, không cần cố tỏ vẻ? Không có chuyện đó đâu ạ. Các nữ tác giả lần lượt “bóc trần” hình mẫu quý cô Paris điển hình, lật tẩy những mánh lới mà các nàng dày công dựng lên vẻ ngoài kiêu kì, sắc sảo và như cách mọi người vẫn nói – thanh lịch của mình. Nghe thì thấy có vẻ toàn là quý cô giả tạo nhưng vì giọng điệu vô cùng hài hước, dễ thương không nỡ nghĩ xấu nên ok, bỏ qua. 

Sách đọc khá vui và giải trí. Đọc xong cũng có thêm vài tips kỹ năng sống, làm đẹp, công thức nấu ăn,… Nhưng phải thành thực, sách không hay như kỳ vọng ban đầu của mình. Chắc tại hờn vì chưa từng được đặt chân đến Paris xem mô tê như nào. Bao nhiêu địa danh, đặc điểm văn hóa, món ăn được nhắc mà cứ ù ù cạc cạc đọc sao biết vậy thì sao thẩm thấu được 100%. 

Cần tiết kiệm tiền đi châu Âu gấp rồi về đọc lại!!! 

Bonus thêm: Title sách phải sửa thành “Sống như quý cô Paris” mới hợp lý, sách toàn nói về các bà các chị chứ các ông có được chen vào ké tí nào đâu… Dễ gây hiểu nhầm quá đi. 

Review: Nói luôn cho nó vuông

29351522_1738083122904207_1549315700484816557_o

Lại một cuốn sách nữa của ông MC nói nhầm tên hoa hậu. Vì đã nghiện “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông” nên mình tiếp tục mua cuốn này. Nó đúng nghĩa là phần mở rộng của cuốn sách đầu tiên. Đọc xong cuốn thứ 2 thì thấy không được như kỳ vọng, chỉ cần đọc cuốn đầu là đủ rồi. 

“Nói luôn cho nó vuông” vẫn tập trung đào sâu bản chất mối quan hệ nam nữ và tư duy của đàn ông trong một mối quan hệ. Dàn ý sách đại khái vẫn bám theo “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông”, ít thông tin mới. Hơn nữa, so với phong cách viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề như lần đầu, cuốn này cảm giác bị “bôi” chữ, cố tình kéo dài ra nên đọc hơi mệt. Đọc giải trí, lấy thêm ít tips trị đám đàn ông thì cũng tạm được. Còn không thì cứ “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông” mà tới. 

Review: Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông

980846_1738083559570830_1650137172476003128_o

Hài hước, hóm hỉnh và là cẩm nang “biết tuốt” về đàn ông cho mọi cô gái/phụ nữ. 

Đọc xong sẽ thấy hóa ra bọn đàn ông… ngu thế nhỉ. Thiệt. Cách tư duy của bọn hắn quá đơn giản luôn. Thế mà trước giờ chị em không biết, cứ để chúng nó vờn như mèo vờn chuột. 

Cảm ơn ông tác giả Steve Harvey đã chịu khó ghi lại tỉ mỉ logic của một thằng đàn ông khi tiếp cận phụ nữ, cách bọn họ suy nghĩ về mối quan hệ, sự cam kết lâu dài và vân vân mây mây những vấn đề mà tui chắc nhiều chị em vô cùng thắc mắc khi chuẩn bị bước vào một mối quan hệ nghiêm túc. 

Do ảnh hưởng về văn hóa, tôn giáo nên vẫn có một số đoạn cần chắt lọc. Đọc để biết, đọc để đấy chứ cũng không thể nào matching 100% trong mọi tình huống. 

Dù sao, cuốn sách quá dễ thương và hữu ích. Cho 8,5 điểm thanh lịch. 

Đọc đi các cô gái, đọc xong là khỏi lo bố con thằng nào nó lừa!!!

=====

Đọc lại lần 2 (23/4/2019):

Vẫn hay và thú vị hệt như lần đầu. 

Quên những status “ngôn lù”, deep quotes đi, đây mới thật sự là thứ mà những ai muốn bước vào một mối quan hệ nghiêm túc, lâu dài cần đọc. Đàn ông là những sinh vật đơn giản, rõ ràng và logic hơn phụ nữ rất nhiều. Hãy chủ động hiểu họ, rồi chúng ta sẽ nắm bắt được hạnh phúc của chính mình, nhé các chị em!

Review: Robinson Crusoe – Những cuộc phiêu lưu kì thú

60147479_2312514348794412_233689140510588928_o

Minh chứng tiêu biểu nhất của ý kiến: “Bản dịch dở tệ có thể phát hỏng cả một kiệt tác”.

Lần đầu tiên đọc Robinson là năm học lớp 6, thậm chí vì muốn “cách ly loài người” giống chú Robinson mà trải chiếu ở dưới chân bàn học xong bày đặt ngủ luôn ở đó. Hồi đấy chưa có phòng riêng mà 😀

Thế nên hơn chục năm sau, khi đã đi làm rồi có chút tiền, bắt gặp lại cuốn sách tuổi thơ thì vui lắm, muốn đắm chìm trong thế giới không người, không giao tiếp ấy một lần nữa. Hào hứng lúc mua sách bao nhiêu thì càng đọc lại càng tụt hứng. Đến mức mà phải bỏ dở, không đọc nổi – đây là việc cực kì hiếm xảy ra với mình. Trước đây dù sách có khó đọc hoặc dở ẹc đến mấy cũng cố đọc và hiểu. 

Có vài điều khiến mình phát điên:

Lý do thứ nhất là văn phong dịch lủng củng, cảm giác không được hiệu đính nên cứ như chị google dịch vậy.

Lý do thứ hai là về dung lượng sách. Mình khá bất ngờ khi cuốn này lại dày hơn nhiều so với cuốn Robinson ngày xưa được đọc. Ban đầu chỉ nghĩ đơn giản là font chữ to hơn nên sách dày lên thôi. Nhưng khi đọc thì nội dung được thêm thắt khá nhiều. Chủ yếu là nội dung về tôn giáo. Với một người ngoại đạo như mình và rất thiếu hiểu biết về Chúa, thì thực sự càng đọc càng có cảm giác nặng nề, không còn phân biệt đâu là nội dung chính của câu chuyện nữa.

Mình sẽ tìm mua bản dịch của Kim Đồng để đọc, và có lẽ sẽ review lại.

Lời chót, warning là đừng ai mua bản này… Lởm khà lởm khởm… Huhu.