Review: Phi lý một cách hợp lý

Đọc dễ thở hơn nhiều so với hai cuốn trước của Dan. Sách là dạng tập hợp các Q&A của tác giả với độc giả chuyên mục Ask Ariely trên tờ Wall Street Journal. 

Nếu Phi lý trí Lẽ phải của phi lý trí ngồn ngộn những kiến thức chuyên sâu về kinh tế học hành vi thì ở Phi lý một cách hợp lý, chúng ta có dịp “ôn lại” những hiện tượng tâm lý thú vị này bằng những case study cụ thể. 

Vẫn là văn phong thân mật, đôi lúc hài hước, lại có kèm tranh minh họa nên đọc sách rất vào. Mình thường tranh thủ đọc vào giờ nghỉ trưa, cứ lèo lèo 15 phút là hết vài chục trang rồi. 

So enjoy it! 

P.S: Những ai chưa đọc Phi lý trí và Lẽ phải của phi lý trí thì đừng nên vội đọc cuốn này. Không lại mắc công đọc xong phải tra cứu rồi kêu không hiểu/khó hiểu/khô khan, thiếu thuyết phục thì tội nghiệp ông tác giả lắm!!!

Review: Lẽ phải của phi lý trí

Lẽ phải của phi lý trí tiếp tục mở rộng, đào sâu những vấn đề đã bàn tới trong cuốn đầu tiên – Phi lý trí của Dan Ariely. Điểm đặc biệt trong hầu hết các nghiên cứu của Dan nằm ở chỗ, chúng được manh nha từ chính những trải nghiệm đau đớn về thể xác của Dan trong quá khứ: Ông từng bị bỏng nặng và phải điều trị trong bệnh viện suốt một thời gian dài.  

Cuốn sách này giải thích một số hiện tượng tâm lý được người ta mặc nhiên thừa nhận dù không rõ căn nguyên. Chẳng hạn như tâm lý kì thị với những thứ không phải do chính mình tạo ra, “ăn miếng trả miếng”, “trước lạ sau quen”, “giận cá chém thớt”,… Mặt khác, Lẽ phải của phi lý trí cũng chứng minh hoàn toàn không có chuyện cảm xúc “nhất thời” hay “thoáng qua”. Ngược lại, nó còn có thể ảnh hưởng  mạnh mẽ tới các quyết định lớn nhỏ trong cuộc đời sau này.

Cách tiếp cận vấn đề chân thật, gần gũi. Tiến hành giải quyết tận gốc rễ vấn đề thông qua hàng loạt thí nghiệm đa chiều. 

Thành công của Phi lý trí và Lẽ phải của phi lý trí về mặt học thuật chính là do tác giả luôn biết đặt rất nhiều câu hỏi và hoài nghi nó cho đến khi tìm ra những câu trả lời đích đáng. 

Anw, Phi lý trí always is dabest!

Đang đọc dở sách thì thấy mấy cái review chê “sách khô khan, khó hiểu”. Non-fiction viết đến thế mà còn kêu khó hiểu nữa thì không hiểu các bác ấy tiếp thu các thể loại kinh tế học, tâm lý học hành vi kiểu gì nhỉ??? 

Review: Phi lý trí

philytri
Series lý trí và phi lý trí 🙂)

Chỉ có thể miêu tả bằng hai từ: Xuất sắc và kinh điển.

Tựa sách là “Phi lý trí” mà sách được viết quá lý trí luôn. Từng kết luận về quyết định, hành vi của con người được rút ra từ hàng loạt những thực nghiệm, số liệu rõ ràng, vô cùng thuyết phục.

Chủ đề sách nghe có vẻ đao to búa lớn “kinh tế học hành vi” nhưng nội dung thể hiện lại rất sát với đời sống. Tất cả những thắc mắc như vì sao ai cũng thích “miễn phí”; vì sao đôi khi trả lương quá cao lại làm giảm năng suất của người lao động; vì sao những quyết định được đưa ra trong lúc “cao hứng” có nguy cơ gây hậu quả khó lường… đều được lý giải tường tận.

“Phi lý trí” giúp chúng ta nhìn nhận lại những quan niệm của kinh tế học tiêu chuẩn, rằng sự thực thì con người luôn có xu hướng làm ngược lại những gì lý trí mách bảo. Hệ quả là, sẽ thật tệ nếu áp dụng một cách máy móc lý thuyết kinh tế lý trí vào những hoạt động thường ngày như mua sắm, đầu tư hoặc thậm chí vĩ mô hơn, là các thể chế xã hội như thuế, hệ thống giáo dục hay thị trường tài chính mà bỏ qua những ảnh hưởng bên ngoài làm thiên lệch hành vi con người.

Từ những lý giải về động lực vô hình đằng sau những quyết định của con người, tác giả cũng đưa ra những chỉ dẫn để chúng ta tránh hay chí ít là giảm thiểu những hành vi cảm tính. Con người là động vật mâu thuẫn. Nên những hành vi phi lý trí vẫn sẽ diễn ra thôi. (Tui là 1 ví dụ).

Tính ứng dụng của cuốn sách rất cao. Dân Marketing, dân nghiên cứu tâm lý, xã hội học hay kinh tế học hành vi, doanh nhân thành đạt, ông chủ đều nên đọc hết.