Review: Lẽ phải của phi lý trí

Lẽ phải của phi lý trí tiếp tục mở rộng, đào sâu những vấn đề đã bàn tới trong cuốn đầu tiên – Phi lý trí của Dan Ariely. Điểm đặc biệt trong hầu hết các nghiên cứu của Dan nằm ở chỗ, chúng được manh nha từ chính những trải nghiệm đau đớn về thể xác của Dan trong quá khứ: Ông từng bị bỏng nặng và phải điều trị trong bệnh viện suốt một thời gian dài.  

Cuốn sách này giải thích một số hiện tượng tâm lý được người ta mặc nhiên thừa nhận dù không rõ căn nguyên. Chẳng hạn như tâm lý kì thị với những thứ không phải do chính mình tạo ra, “ăn miếng trả miếng”, “trước lạ sau quen”, “giận cá chém thớt”,… Mặt khác, Lẽ phải của phi lý trí cũng chứng minh hoàn toàn không có chuyện cảm xúc “nhất thời” hay “thoáng qua”. Ngược lại, nó còn có thể ảnh hưởng  mạnh mẽ tới các quyết định lớn nhỏ trong cuộc đời sau này.

Cách tiếp cận vấn đề chân thật, gần gũi. Tiến hành giải quyết tận gốc rễ vấn đề thông qua hàng loạt thí nghiệm đa chiều. 

Thành công của Phi lý trí và Lẽ phải của phi lý trí về mặt học thuật chính là do tác giả luôn biết đặt rất nhiều câu hỏi và hoài nghi nó cho đến khi tìm ra những câu trả lời đích đáng. 

Anw, Phi lý trí always is dabest!

Đang đọc dở sách thì thấy mấy cái review chê “sách khô khan, khó hiểu”. Non-fiction viết đến thế mà còn kêu khó hiểu nữa thì không hiểu các bác ấy tiếp thu các thể loại kinh tế học, tâm lý học hành vi kiểu gì nhỉ??? 

Review: Khiêu vũ với ngòi bút

Đọc từ hồi mới tập tọe chuyển từ viết báo sang viết content, trầy trật hơn một năm, chuyển qua làm planner rồi mới đọc xong cách viết sao cho chuẩn. 

Như lời giới thiệu, nội dung trong sách được tổng hợp từ những bài giảng trong khóa học viết quảng cáo (có giá 3 ngàn đô la) của chính tác giả. So sánh giá bìa sách chỉ hơn 100 ngàn tiền Việt thì quả là đáng để bỏ tiền ra xem bên trong có gì.

Phải thừa nhận cuốn sách chứa một lượng khổng lồ kiến thức với những nguyên tắc, công thức được đúc rút ra từ cuộc đời làm nghề của Sugarman. Từ những khái niệm cơ bản nhất, cho đến những chỉ dẫn cụ thể, những ví dụ và bí quyết đều được chỉ ra xuyên suốt hơn 400 trang sách. 

Nhưng chỉ qua vài chương đầu, mình nhận ra một điểm to đùng là: Cuốn sách chỉ tập trung vào những copywriter truyền thống, làm việc trên các phương tiện quảng cáo truyền thống: như catalog, như thư chào hàng chứ không phải trên Facebook, Instagram – những thứ mà mình đang quan tâm. Những kiến thức được chỉ dẫn trong sách chủ yếu hướng tới việc viết những nội dung quảng cáo dài (những bài PR trên báo). Và càng đọc càng chứng minh nhận định của mình là đúng. Hầu hết các quảng cáo ví dụ trong sách đều lấy từ thập niên 70, 80 của thế kỉ trước. Kết luận đầu tiên về cuốn sách: theo trường phái quảng cáo cổ điển với những cách thức truyền thống.

Thêm một điểm không-thích-lắm nữa về cuốn sách là cách diễn giải dài dòng của tác giả. Có vẻ như ông này khoái tâng bốc và đề cao bản thân, cứ trước mỗi nội dung lại phải rào 1 – 2 câu PR mới chịu được. Khổ nữa là sách vừa dài, vừa dày, đọc không đúng trọng tâm rất mệt mỏi. Bù lại, cứ sang chương mới, luôn có phần review lại nội dung trước để người đọc nắm kĩ. 

Nhận xét thêm về phần trình bày sách, sách trình bày khá lạ: Luôn bỏ trống phần lề trái. Ban đầu khi mua sách, mình khá thích thú vì nghĩ rằng sách có nhiều bài tập để thực hành, và mình sẽ note trực tiếp ra lề sách những điểm quan trọng. Có thể mình đã nghĩ đúng nhưng thực tế khi đọc xong, sách vẫn rất sạch sẽ. Không nhiều bài tập thực hành đến thế. 

Tóm lại, cuốn sách này chỉ mang đến những kiến thức nền tảng nhất về viết quảng cáo, nhiều nội dung thực sự không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại – khi mà các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển theo từng ngày từng giờ. 

Review: Em sẽ đến cùng cơn mưa

Một điểm mình cực yêu thích ở văn học Nhật là sự chậm rãi trong tiết tấu truyện. Điều này tạo cho độc giả có đủ thời gian vừa đọc vừa thong thả ngẫm nghĩ dù cho bản thân tác phẩm đó không cần quá trau chuốt về ngôn từ.

Nếu ai mong muốn một câu chuyện kịch tính với nhiều biến cố, khúc quanh lắt léo thì cuốn sách này quả là không phù hợp. “Em sẽ đến cùng cơn mưa” mở ra một câu chuyện tình, uhm…, không biết nói sao nữa, buồn thì cũng không hẳn, nhưng cảm giác man mác thì có. Chuyện tình này ngay từ lúc bắt đầu đã có kết thúc. Nhưng điều lạ là, độc giả vẫn bị cuốn theo mạch truyện, vừa tò mò bởi những “ảo ảnh” mơ hồ tác giả tạo ra, lại vừa bị chính những tình tiết vụn vặt tưởng chừng dư thừa kéo đi. 

Nếu “Be with you” phiên bản điện ảnh kể về một câu chuyện tình yêu màu hồng lãng mạn với nam nữ chính đều nổi bật, tài năng thì nguyên tác của Ichikawa Takuji lại chỉ khiêm tốn nói về những con người bình thường, thậm chí có nhiều khuyết điểm. Họ quen nhau, để ý nhau, đến với nhau, yêu nhau,… như bất kỳ cặp đôi nào khác. Và phải chăng sự bình thường ấy đã tạo nên điều phi thường khi tình yêu gặp biến cố?

Một chuyện tình vượt lên mọi giới hạn không gian, thời gian và cả cái chết. Cuốn sách này, mình tin rằng là nguồn động viên rất lớn với những người tha thiết yêu nhau, nhưng không may bị số phận trêu đùa. 

“Em có làm cho chồng hạnh phúc không?’

Review: Vì sao đàn ông thích phụ nữ trẻ, phụ nữ thích đàn ông giàu

110072027_3220606297985208_5664176830374745683_n

Đọc xong mới nhận thấy ở bìa cuốn sách có dòng chữ “Tâm lý học và chuyện yêu”, đây là điểm trừ đầu tiên, bởi nội dung cuốn sách không có một tí tâm lý học nào và kể cả chuyện yêu – nội dung này có lẽ nhiều người sẽ quan tâm nhưng cũng được đề cập rất ít. Có lẽ là một chiêu trò giật tít PR đến từ những người làm sách?

Chính xác, các quan điểm trong cuốn sách đưa ra dựa trên quan điểm “Tiến hoá theo sự chọn lọc tự nhiên”, bản thân tác giả cũng là một nhà khoa học nên văn phong cuốn sách tương đối ngắn gọn, tiếp cận vấn đề logic, trực diện. Sách đi lần lượt các vấn đề bằng những câu hỏi và giải đáp chúng thông qua các báo cáo, số liệu, biểu đồ, hình vẽ minh hoạ. 

Nếu chờ đợi một cuốn sách nói về tâm lý đàn ông khi yêu sẽ thế này, tâm lý phụ nữ khi ghen tuông sẽ thế kia và làm thế nào để giải quyết chúng thì nhất định đừng đọc, chúng ta có “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông – Steve Harvey” là đủ. Và nếu không có quá nhiều hiểu biết về chuyên môn sinh học, những thứ đại loại kiểu phân chia ADN, giải phẫu cơ thể thì “Tại sao đàn ông không biết cách lắng nghe còn phụ nữ không biết đọc bản đồ – Barbara & Alan Pease” dễ nhai hơn nhiều, vì ít nhất các thuật ngữ đã được các tác giả diễn giải cho phù hợp với sự hiểu biết của đại chúng. 

So với những cuốn sách mình từng đọc thì không có nhiều điều mới mẻ, ngoài việc có thêm một số góc nhìn về cấu trúc não bộ ảnh hưởng đến hành vi của nam và nữ, một vài số liệu cập nhật hơn. Sách tương đối khô khan và so với các cuốn viết cùng chủ đề thì mình hoàn toàn không suggest cho lắm. 

Review: Cảm ơn người lớn

109806879_3220606277985210_5490725349411885154_n

Phải thẳng thắn thừa nhận, Nguyễn Nhật Ánh có chút tham lam khi không chỉ sử dụng một, mà những hai lần tấm vé đáp xuống ga tàu tuổi thơ. Đúng 10 năm sau “cơn sốt” Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, “hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” tiếp tục trình làng truyện dài Cảm ơn người lớn – mời gọi độc giả tiếp tục đồng hành trên chuyến tàu đặc biệt tìm về thơ ấu. Tác giả một lần nữa “xuyên không” trở thành Cu Mùi 8 tuổi, bên cạnh “cô vợ” hiền Tí sún, cùng “người tình trong mộng” Tủn xinh đẹp và thằng bạn láu cá Hải cò. Và những độc giả của Nguyễn Nhật Ánh cũng không ngoại lệ, tất thảy đều “thu nhỏ” lại thành những cô bé, cậu bé con nghịch ngợm, hòa vào những trò chơi mà bọn Cu Mùi bày ra. Đó là thế giới của trẻ thơ, cũng li kì, sóng gió chẳng kém gì người lớn.

Xen lẫn những câu chuyện của bốn người bạn nhỏ là những ghi chép suy tư của Cu Mùi “nhớn” – nay đã bước qua tuổi 60. Và đặc biệt hơn nữa, tương lai của những Tí sún “nhớn”, Tủn “nhớn”, hay Hải cò “nhớn” cũng đều được Cu Mùi “nhớn” tiết lộ.

Con người ngày nay dường như bị cuốn quá nhanh theo guồng máy cuộc sống hiện đại. Trẻ con không nằm ngoài quy luật ấy khi chúng bị buộc phải lớn nhanh, sống nhanh. Giả sử một ngày kia, những mầm non ấy trưởng thành, chúng sẽ trả lời ra sao nếu được hỏi: Tuổi thơ của bạn có gì? Chúng sẽ bấu víu vào đâu mỗi khi tâm hồn chông chênh, mỏi mệt? Còn gì đúng hơn những trái ngọt tuổi thơ.

Người lớn à, hãy mang đến cho con trẻ một tuổi thơ đúng nghĩa.

Còn những người lớn, khi nghĩ về tuổi thơ mà có thể cười thật tươi, líu ríu kể đến từng câu chuyện cỏn con nhất, thì xin chúc mừng nhé!

Review: Tại sao đàn ông không biết cách lắng nghe còn phụ nữ không biết đọc bản đồ

d4f10251b6074a591316

Một cuốn sách khá thú vị về tình yêu, hấp dẫn giới tính cho những ai có thói quen tư duy logic. 

“Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” – điều này đã được loài người nhận thức rạch ròi từ khi xã hội nguyên thủy xuất hiện. Khai thác đề tài khác biệt về giới nhưng những luận điểm trong cuốn sách này được giải thích theo góc độ khoa học mà cụ thể ở đây là sinh học chứ không đơn thuần là những quan sát hiện tượng tâm lý, nghiên cứu xã hội học hay văn hóa.

Sách đi từ những nghiên cứu khoa học nhưng được viết giản lược, bỏ qua những thuật ngữ chuyên ngành để tiệm cận với hiểu biết của đại chúng. Từ những điểm khác biệt về cấu trúc sinh học giữa nam và nữ đi đến kết quả là tư duy và hành vi của hai giới cũng khác nhau. Sự khác biệt này cũng giải thích cho những xung đột, mâu thuẫn thường gặp ở các cặp đôi yêu nhau như sự lạnh nhạt trong mối quan hệ sau khoảng thời gian nồng nhiệt ban đầu, ngoại tình… Các hiện tượng bất thường về giới tính như đồng tính cũng được giải thích cặn kẽ thông qua việc mô tả phân chia ADN từ khi bào thai nằm trong bụng mẹ. 

Sách phá bỏ khá nhiều định kiến về giới, đem đến cho người đọc sự thật (đôi khi phũ phàng và gây sốc) trong khái niệm “bình đẳng giới”. Tuy nhiên có những hiểu biết này, chúng ta sẽ tự lý giải được những hành vi của nửa kia để có cái nhìn cảm thông hơn, tránh được những tranh cãi nhỏ nhặt không đáng có, để thực sự có thời gian tận hưởng mối quan hệ của mình. 

“Anh ấy chẳng hiểu gì về tôi” hoặc “Cô ta nói quá nhiều” – thay vì than phiền như vậy, thì cả hai phái, đàn ông và đàn bà, hãy cùng đọc cuốn sách này nhé!!!

Review: Cơ sở văn hóa Việt Nam – Trần Ngọc Thêm

107457614_3212613218784516_7274954534805709319_n

Văn hoá là lĩnh vực mình vô cùng hứng thú, do vậy mà mình cũng một thói quen khá lạ là tìm đọc nhiều giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam của các trường đại học. 

Đã từng đọc qua các giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam của thầy Trần Quốc Vượng, của HV Báo chí & Tuyên truyền biên soạn, đến cuốn của thầy Trần Ngọc Thêm thì có lẽ là đây là cuốn sách học thuật đầy đủ, súc tích và dễ hiểu nhất trong những cuốn mình đã đọc. 

Trước hết sách đưa ra được khái niệm Văn hoá rõ ràng: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (trang 10)

Văn hoá Việt Nam được xác định thuộc văn hoá gốc nông nghiệp. Xét trên bình diện địa lý, văn hoá Việt lại được chia thành các vùng văn hoá, đó là: Vùng văn hoá Việt Bắc, Tây Bắc, Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Mỗi vùng văn hoá này lại mang những nét đặc trưng riêng nhưng vẫn có những nét chung của một hệ thống văn hoá hoàn chỉnh. Sách trình bày theo logic này.  

Cấu trúc của hệ thống văn hoá gồm:

  • Văn hoá tổ chức cộng đồng (gồm Văn hoá tổ chức đời sống tập thể và Văn hoá tổ chức đời sống cá nhân)
  • Văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên (gồm Văn hoá tận dụng môi trường tự nhiên và Văn hoá ứng phó với môi trường tự nhiên)
  • Văn hoá ứng xử với môi trường xã hội (gồm Văn hoá tận dụng môi trường xã hội và Văn hoá ứng phó với môi trường xã hội)
  • Văn hoá nhận thức (gồm Nhận thức về vũ trụ và Nhận thức về con người)

Trong mỗi thành tố của cấu trúc văn hoá, văn hoá Việt Nam lại được so sánh, đối chiếu với các nền văn hoá như Trung Hoa, phương Tây,… để rồi xác định được bản chất độc đáo, thiên về âm tính, vừa tổng hợp lại vừa linh hoạt, vừa dung hợp lại vừa tích hợp. Những đặc điểm này khiến cho văn hoá Việt mang nét riêng, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử nhưng vẫn giữ được cái hồn cốt tinh tuý để không bị hoà lẫn với các nền văn hoá khác. 

Tuy là sách học thuật nặng tính khoa học, nghiên cứu nhưng khi đọc không hề khiến mình cảm thấy nặng nề bởi chất biểu cảm trong lối diễn đạt. Cuốn sách in đậm lòng tự tôn dân tộc với những phân tích cẩn trọng, sâu sắc qua vô số nghiên cứu. Có những đoạn viết lại vô cùng hài hước, thâm thuý, hơn 1 lần khiến mình bật cười và phấn khích đến mức chụp ngay lại khoe trên story Facebook. Cũng có một  số chi tiết mình không đồng tình và có phản biện, sách viết vào những năm 90 nên một số luận điểm qua kiểm chứng thực tiễn, xét lại đến nay đã không còn đúng. Mình sẽ không bàn ở đây, mọi người đọc và tự cảm nhận. (P/S: Mình đọc bản in năm 2008)

Sách trình bày khoa học, có nhiều bảng biểu vắn tắt kiến thức, có bôi đậm, gạch chân, in nghiêng những điểm cần chú ý. 

Tóm lại đây là cuốn sách nên được đọc nghiêm túc (vì đây cũng là một trong các môn học đại cương mà). Đọc để hiểu, để yêu và tự hào vì là con Rồng cháu Tiên. Và với những bạn quan tâm đến văn hoá như mình thì rõ ràng đây là cuốn sách đại cương dẫn dắt bạn tiếp cận văn hoá một cách khoa học, logic nhất.

Một vài trích dẫn thú vị trong sách:

– “… Người Việt Nam có nhược điểm là thiếu tính quyết đoán. Để tránh phải quyết đoán, và đồng thời giữ được sự hoà thuận, không làm mất lòng ai, người Việt rất hay cười. Nụ cười là một bộ phận quan trọng trong thói quen giao tiếp của người Việt, người ta có thể gặp nụ cười Việt Nam vào cả những lúc ít chờ đợi nhất”. (trang 159)

– “Thậm chí ngay cả trong việc chửi nhau, người Việt cũng chửi một cách bài bản, cân đối, nhịp nhàng, đầy chất thơ; không chỉ lời chửi, mà cả cách thức chửi, dáng điệu chửi cũng mang tính nhịp điệu. Với lối chửi có vần điệu, cấu trúc chặt chẽ, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được”. (trang 162)

Review: Đức Phúc – I believe I can fly

49054419_2111462952232887_9128891067104493568_n

Người ta có thể yêu mến Đức Phúc vì giọng hát, vì vẻ ngoài hiện tại hay vì tính cách hài hước, tưng tửng, lầy lội. Còn mình thích Đức Phúc ở sự chân thật của em ấy trong cuốn tự truyện này. Em dám kể những câu chuyện mà ở vào địa vị của nhiều người, họ chỉ muốn giấu nhẹm càng lâu càng tốt.

Bên trong cậu bé Phúc lúc nào cũng tự ti là một trái tim nhân hậu, tâm hồn trong sáng và luôn lạc quan. Cậu bé ấy đam mê ca hát như chính sinh mệnh của mình, đến nỗi khi hỏi về rủi ro phẫu thuật thẩm mĩ, Phúc chỉ lặp đi lặp lại: “Vậy cháu có còn hát được nữa không?”.

“Phúc mong đời mình cũng như chuyến bay ấy, cất cánh từ mặt đất, vút cao, và khi hạ cánh, thì đã đi được rất xa, rất xa…” – Tin chắc sẽ như thế.

Ngoài lề một chút, Phúc khá may mắn vì tìm được những người chấp bút tự truyện phù hợp, không làm mất “chất Phúc” khi thảo lại nội dung. Nên đôi lúc mình phải bật cười khi tưởng tượng ra giọng điệu thằng Phúc nó đang kể chuyện.

Review: Hắt xì

28954305_1738083326237520_355648001655396795_o
Ngốc, ngốc nghếch vô cùng. Chỉ có thể thốt lên như vậy khi đọc những trang đầu tiên. Cho đến tận khi kết thúc truyện, không kiềm được lại phải thốt lên: “Ngốc lắm!” mà nước mắt cứ thế giàn giụa. Mấy ai có đủ dũng khí để theo đuổi một người khi biết rằng vĩnh viễn mình chẳng bao giờ có cơ hội. Mấy ai dù biết bên người ấy đã có một người rất tốt vẫn luôn cố gắng không ngừng cố gắng chứng minh tình yêu của mình.

Cô ấy nói thích một người con trai mạnh mẽ.

Cậu ấy tập quyền anh, nghĩ rằng khi đấm đá là lúc người con trai “ngầu” nhất.

Người yêu của cô ấy là một siêu anh hùng.

Cậu ấy là người thường. Không tài nào cạnh tranh nổi.

Kẻ được mệnh danh “không bao giờ gục ngã” trên sàn đấu lại có thể rơi nước mắt “vì hôm nay cô ấy không đến”.

Cú đấm sát thủ cậu ấy tập luyện không ngừng nghỉ để dành cho trận đấu lịch sử hóa ra lại là cú đấm giúp cậu cứu người con gái cậu yêu thương. Đó là cú đấm tuyệt nhất, ngầu nhất. Cũng là cú đấm khiến người đọc đau lòng nhất. Giống như tình yêu của Nghĩa Trí dành cho Tâm Tâm ngốc nghếch mà chân thành đến như thế.


Ông tác giả có vẻ mê quyền anh nên từ “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” cho đến “Hắt xì” đều cho nam chính chơi cái trò đấm đá tóe loe này. Máu chảy đầu rơi, bạo lực, thật là hại não hết sức!!!

Review: Hà Nội trong mắt tôi

28953851_1738083272904192_2377311538536577138_o

Cứ thành thông lệ, cứ đầu năm năm nào cũng đọc về Hà Nội, lại còn phải là của Nguyễn Khải. Đọc đi đọc lại không biết chán. Và lần nào đọc cũng giật mình thon thót như lần đầu tiên. Chính cái ông tác giả không dưới một lần tự nhận mình là người rất hèn, ngại va chạm, ngại những thành phần rắn mặt. Thế mà cũng ông ấy lạnh lùng đưa ra nhận định: “Người ở địa vị thấp thường hay tự ái nên thích khoe mẽ, thích làm ra vẻ từ ăn mặc trang điểm đến cung cách cư xử nói năng” thì có nhột không. 

Truyện của Nguyễn Khải thực ra chẳng có gì. Đơn giản, không hại não, chỉ đơn giản ngồi xuống uống một tuần trà, nghe thuật lại một chuyện bên hàng xóm. Vui vẻ xong đâu đấy rồi tối về ngẫm nghĩ, lại giật mình, lại “chắc nó trừ mình ra”. Ấy cũng là cái tài, cái duyên khéo hầu chuyện. 

Nhân lần đọc thứ n:

Mình đến với “Hà Nội trong mắt tôi”, cũng như đến với Nguyễn Khải từ truyện ngắn “Một người Hà Nội” năm học lớp 12. Sự mến mộ cái đức, cái tầm nhìn xa của người đàn bà hết sức thức thời và sắc sảo, tên Hiền – nhân vật chính trong truyện khiến mình tò mò tìm thêm các tác phẩm khác của Nguyễn Khải. Để rồi với mỗi truyện ngắn, mình lại có niềm yêu, niềm giận hờn với từng nhân vật trong đó.

Truyện ngắn Nguyễn Khải không có quá nhiều thoại. Đôi khi câu chữ của nhân vật lẫn cả vào suy tư, ý nghĩ, diễn giải của tác giả. Chính vì vậy, đọc Nguyễn Khải không khiến một độc giả tầm thường như mình phải dò dẫm xem ý tác giả ở đây là gì. Văn Nguyễn Khải rất đời, rất thiết thực, nói đúng, nói trúng và đọc xong là cảm thấy rất đã. Ông quan sát những con người xung quanh bằng cái nhìn tế nhị và miêu tả tâm lý của họ như thể chính ông là người trải qua câu chuyện ấy. Có lẽ vì vậy mà truyện nào của ông, dù vui hay buồn, cũng đều thấm đẫm tình người. Đó có thể là cái “Nếp nhà” gia giáo có tới ba gia đình, ba thế hệ cùng chung sống; đó có thể là niềm vui muộn mằn tuổi xế chiều của bà Bơ cùng người chồng mà bà từng lỡ duyên ngày còn trẻ trong “Nắng chiều”; hay là tình nghĩa đồng đội, tình cảm vợ chồng của Dụ – một “Nghệ nhân ở làng” gửi gắm hết vào những khúc gỗ được mài đẽo công phu. 

Nhân vật chính trong các tác phẩm của Nguyễn Khải chủ yếu là phụ nữ. Họ là nhân chứng cho những biến thiên của lịch sử. Họ đều là những người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát, một tay quán xuyến gia đình. Có những người là nữ chỉ huy giỏi, và tất nhiên, cũng có những “nội tướng” thất bại, phải chịu nhiều thua thiệt, bất công sau những hy sinh thầm lặng, mà nguyên nhân một phần là do sự biến tướng của xã hội. Không dưới một lần, Nguyễn Khải đã cảm thán bất bình thay cho phận người phụ nữ: “Ồ, một người đàn bà xinh đẹp như thế, lại thông minh, lại độ lượng mà không giữ nổi thằng chồng tới lúc bạc đầu nghĩa là làm sao?” (Một mẹ chồng tuyệt vời). Ừ! Đáng để nghĩ đấy nhỉ, những câu chuyện được viết trên dưới ba chục năm rồi mà vẫn đúng thế sao?