Mời bạn lại nhà của Bảo Sam

Chào các bạn, mình là Bảo Sam. Hiện tại mình đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Bên cạnh công việc chính thì mình còn có khá nhiều công việc phụ khác mà viết lách nằm một trong số đó. Bản thân mình từng là sinh viên báo chí và cũng có một vài năm làm trong ngành này trước khi quyết định dừng chân ở lĩnh vực hiện tại: Marketing.

Trang Bảo Sam wordpress được mình lập cách đây 5 năm, với mục đích ban đầu chỉ là lưu trữ các tác phẩm báo chí của bản thân. Cái tên Bảo Sam cũng chính là tên bút danh mình thường ký dưới mỗi bài viết, chứ không phải tên thật của mình. Dần dà mình đăng thêm cả những bài dịch từ báo nước ngoài và những mẩu review những cuốn sách mình từng đọc nữa.

VÌ xác định blog chỉ là nơi lưu trữ rất riêng tư nên có bài thì mình post, không có bài hoặc thậm chí lười không có hứng thì mình chẳng đăng gì. Cả vài tháng hoặc cả năm không có bài viết mới là chuyện bình thường. Thế mà trộm vía, thỉnh thoảng khi “chợt” nhớ ra mình có blog, lật đật vào ngó nghiêng phủi bụi, thấy lượt view blog vẫn tăng đều đều. Đôi lúc (ít thôi) lại thấy có người comment. Vui lạ! À thì ra những gì mình viết cũng có giá trị với một số người.

Thế là mình có động lực viết lách trở lại! Nếu bạn đọc được những dòng chữ này thì mình rất cảm kích vì sự quan tâm của bạn.

Blog của mình tạm chia thành 4 mảng chính, đó là:

  1. Báo chí: bao gồm những tác phẩm báo chí mình từng thực hiện, đa số đều là những tác phẩm tự do, được mình cộng tác với nhiều báo, tạp chí hoặc trang tin khác nhau. Những năm gần đây, do không trực tiếp làm việc trong môi trường báo chí nên hầu như không có tác phẩm.
  2. Dịch: bao gồm phần dịch thuật cuốn THE GILDED TAROT COMPANION (do trước đây mình có tìm hiểu và sở hữu một bộ bài tarot cho riêng mình), và một phần các tác phẩm báo chí được dịch từ tiếng Anh.
  3. Review sách: đây là công việc mình đã làm từ rất lâu và tiếp tục kéo dài cho đến tận bây giờ. Ở mảng này, mình chia sẻ với độc giả những trải nghiệm khi đọc một cuốn sách. Đôi khi chỉ là vài dòng ghi nhanh cảm xúc, có khi cũng là một bài tản mạn tương đối. Mình vẫn cố gắng giữ quan điểm không spoil nội dung khi thực hiện công việc review. Vì vậy, thích hợp cho những độc giả nào tìm đến các bài review sách với câu hỏi: “Mua hay không mua?”.
  4. My sharing – Tips for life/work: đây sẽ không phải là những ghi chép dạng nhật ký mà là sự vắn tắt những cách thức mình đã/ đang áp dụng trong cuộc sống hay công việc để hướng tới sự cân bằng và hiệu quả. Mình ghi lại với hy vọng giúp các bạn nếu đang ở trong hoàn cảnh tương tự mình từng gặp phải, sẽ có một chỉ dẫn nào đó, để con đường các bạn đi sẽ bớt gập ghềnh hơn, mau tới đích hơn.

Mọi sự đóng góp, chia sẻ, các bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết hoặc qua email cá nhân của mình: baosam0412@gmail.com

Chào mừng bạn đã đến, hãy ghé thăm Baosam thường xuyên nhé!

5 trải nghiệm đáng nhớ trong thời điểm giãn cách xã hội mùa Covid-19

Từ 0h ngày 23/4, cả nước cơ bản tạm ngừng cách ly xã hội theo những diễn biến tích cực của dịch Covid-19.

Trước đó, từ 1 – 22/4, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cả công ty mình nghỉ ở nhà. Chỉ có một vài bộ phận “work from home” và được nhận lương hỗ trợ. Còn lại đa số nhân viên nghỉ không lương chờ đi làm lại. Mình thuộc nhóm thứ hai.

Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp tới “ví tiền” của mình, nhưng bù lại, với số tiền hao hụt đó, mình mua được những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.

1. Khoảng thời gian chữa lành

Kỳ nghỉ bất đắc dĩ giúp mình có thời gian tận hưởng cuộc sống với những sở thích cá nhân, như đọc sách, nghiên cứu sâu và làm đồ handmade. Một năm trở lại đây, công việc bận rộn khiến quỹ thời gian mình dành cho những thú vui đơn giản đó bằng số 0 tròn trĩnh. Sách cứ mua về chất đầy kệ mà chẳng có thời gian đọc, cảm thấy hứng thú với lĩnh vực này nhưng chỉ dừng ở mức độ quan tâm chứ không dám mơ đến chuyện suy nghĩ nghiêm túc để làm thành một cái gì cụ thể. Tương tự, việc làm đồ handmade không thể liên tục và kịp theo những ý tưởng mà mình lưu đầy một kho trên Pinterest.

Ấy vậy mà giãn cách xã hội lại là chất xúc tác giúp mình trở lại những sở thích rất riêng tư như thế. Mình có thời gian học, đọc, viết nhiều hơn để lắng nghe cảm xúc của chính mình. Mình bắt đầu làm cuốn sách vải cho hai em bé như đã hứa từ đầu năm. Được làm những điều vốn đã là sở thích nên cảm giác vô cùng thoải mái và cũng năng suất hơn thường lệ.

IMG_4447
Những cuốn sách bình thường vốn lay lắt cả năm không đọc xong vì quá bận rộn, nay “nhân dịp nghỉ tết Covid” mà mình cày bằng sạch.

Không có áp lực công việc (thất nghiệp mà T_T), không còn chỗ cho những suy nghĩ vẩn vơ, đây có lẽ chính là khoảng thời gian quý báu mình tận dụng để tiếp thêm năng lượng cho đời sống tinh thần của mình.

2. Khởi động những dự án cá nhân

Bên cạnh công việc chính hiện tại là một Market-er thì mình cũng ấp ủ tương đối nhiều dự án cá nhân khác. Chẳng hạn như phủi bụi và cơ cấu lại trang blog này, đầu tư dài hơi ở lĩnh vực giáo dục, tổ chức content cho một group Nuôi dạy con, thậm chí là cả việc kinh doanh thêm nữa. Nhược điểm của mình là ham quá nhiều thứ, nhìn thứ gì hay hay cũng muốn nhảy vào làm. Trong khi kỹ năng quản lý thời gian thì dở tệ (giờ vẫn đang cần học hỏi). Vậy hiển nhiên, khoảng thời gian “trắng” công việc này là thời cơ để mình khởi sự các dự án ấp ủ bấy lâu.

Mình bắt đầu theo cách thức truyền thống như hầu hết mọi người vẫn làm. Từ nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thông tin cho đến xây dựng kế hoạch cơ bản và triển khai những bước đầu tiên. Dĩ nhiên, mình không thể thực hiện cùng lúc bao nhiêu dự định mình đã liệt kê bên trên được. Vẫn phải theo thứ tự ưu tiên, mình thật sự muốn làm gì trước và khả năng mình có thể làm được những gì.

Một số người bạn của mình trong thời gian tạm nghỉ Covid-19 đã tranh thủ học được vài khoá học free online. Thật khôn ngoan khi vừa biết tranh thủ thời gian lại vừa “nâng trình” bản thân không tốn xu nào.

3. Dành thời gian cho gia đình

Trước đây, thời gian mình chạm mặt bố mẹ chỉ tính bằng giờ, thậm chí là bằng phút mỗi ngày thì Covid-19 kèm Chỉ thị 16 cho phép mình ở nhà 24/7. Thời gian trò chuyện với bố mẹ chắc chẳng nhỉnh hơn bình thường là bao nhưng sự giao lưu tình cảm thì cải thiện rõ rệt. Ngồi trong phòng làm việc nhưng vẫn nghe được giọng bố mẹ trò chuyện ở tầng dưới. Cuối tuần mình gọi những món ngon về chiêu đãi cả nhà. Nếu không có “nàng Cô-vy” chắc mình không đời nào làm thế, mà sẽ hẹn hò đám bạn tụ tập ở ngoài quán luôn cho nhanh gọn.

Ở nhà mình còn có dịp quan sát một ngày bình thường của bố mẹ trôi qua như thế nào. Bố mẹ đều là những cán bộ về hưu, lại ưa nhàn nhã nên hầu như chỉ loanh quanh trong nhà, không có nhu cầu đi chơi hay giao du bạn bè quá nhiều. Cuộc sống giản dị lắm.

4. Cân bằng lại nhịp sinh học

Không ai phủ nhận tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của virus SARS-COVID-2, tuy nhiên ở khía cạnh tích cực, loại virus này xứng đáng được tấn phong là HLV sức khoẻ con người.

Ở thời điểm này, những hiểu biết của chúng ta về Covid-19 đã tương đối rõ ràng. Nó dễ dàng lây lan và đặc biệt nguy hiểm với những người có bệnh nền. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tập trung ở nhóm người già – những người có tiền sử bệnh phức tạp và sức đề kháng yếu.

Từ thời sinh viên, mình đã có thói quen cực kỳ xấu là thức khuya ngủ ngày, đi ngủ lúc 3 – 4h sáng đã trở thành chuyện cơm bữa. Thậm chí những ngày cuối tuần, mình có thể thức đến sáng rồi lại ngủ đến trưa, ăn trưa xong lại ngủ đến chiều, cứ thế mà lãng phí cả một ngày cuối tuần. Mình tin không chỉ riêng mình mà rất nhiều bạn trẻ có lối sống như vậy. Biết là thức khuya có hại nhưng thường hay đổ tại “thói quen”.

Những ngày đầu nghỉ giãn cách, mình vẫn giữ thói quen xấu xí này. Thật không dễ dàng gì từ bỏ một thói quen cố hữu nhưng mình cần phải thay đổi thôi, ngay lúc này. Thời gian mới tập đi ngủ sớm trở lại chẳng khác gì cực hình. Mình nằm trằn trọc cả tiếng đồng hồ mà vẫn chưa vào giấc ngủ. Thậm chí còn thức khuya hơn cả bình thường.

Mình tìm đến thiền để giải phóng suy nghĩ tiêu cực, tìm những bài nhạc du dương, tốt cho giấc ngủ. Mình điều chỉnh thời gian đi ngủ một cách từ từ. Ban đầu ngủ sớm 1 tiếng, rồi tăng dần 2 tiếng, và bây giờ mình lên giường nằm từ lúc 23h30 và thức dậy lúc 6h sáng. Ngoài ra, mình cũng trở lại với Yoga và duy trì thói quen ăn chay tối thiểu 1 ngày/tuần.

Hai tuần điều chỉnh lại nhịp sinh học giúp cơ thể mình khoẻ khoắn, tâm trạng tươi vui và tất nhiên, làm việc cũng hiệu quả hơn nhiều.

5. Nhận ra giá trị của việc tích luỹ

Mấy tuần nghỉ ở nhà, được làm những điều mình thích, cân bằng lại cuộc sống – công việc, mình đã nghĩ rằng: “Cuộc sống của mình cứ như thế này, và thêm ‘không cần đi làm nhưng vẫn có tiền tiêu’ nữa thì hoàn hảo”. Suy nghĩ xuất hiện cũng là lúc mình nhân ra giá trị của việc tích luỹ.

Bản thân mình vốn theo chủ nghĩa “làm được chơi được” chứ không theo chủ nghĩa “bo bo tiết kiệm”. Mình nghĩ rằng phải dám mạnh tay trong chi tiêu thì mới dám nghĩ cách kiếm thêm nhiều tiền để đáp ứng lại những nhu cầu ăn – chơi. Điều đó không sai, nhưng phải đi kèm điều kiện khi cả xã hội vận hành một-cách-bình-thường. Ngược lại, đặt trong bối cảnh cụ thể của đại dịch Covid vừa qua, nền kinh tế bị đình trệ, mọi khoản thu nhập từ công việc của mình bị cắt giảm, thậm chí cắt đứt, không có nguồn thu chính thức, mình có thể sẽ lao đao nếu không có sự trợ giúp từ gia đình và một khoản tiết kiệm phòng thân từ trước đó.

Thời gian giãn cách xã hội, mình biết cách chi tiêu hợp lý hơn, cắt giảm mọi nhu cầu không cần thiết, chỉ chi dùng vào những việc thật sự thiết thực và cấp bách. Mình nhận ra mình vẫn ổn khi mức tiêu dùng ít đi. Thay vào việc ngày dăm bảy lần vào các apps thương mại điện tử để mua sắm online thì mình dành thời gian cho những trải nghiệm đã chia sẻ phía trên.

Hậu Covid, có lẽ việc đầu tiên mình làm sẽ là củng cố sức khoẻ tài chính cá nhân, nghiêm túc nghĩ đến việc tích luỹ và đầu tư một cách hiệu quả hơn.

Còn bạn, đợt giãn cách vừa qua có đem lại cho bạn những trải nghiệm thú vị gì không? Hãy cho mình biết với nhé!